+
Aa
-
like
comment

Thị trưởng TP.HCM – Tại sao không?

Phạm Khoa - 20/12/2022 18:56

Ngay từ cuối tháng 11 năm nay, trong Hội nghị đô thị toàn quốc do Chính phủ tổ chức, Bộ Nội vụ đã đề xuất mô hình Tòa thị chính, Thị trưởng thay cho Ủy ban Nhân dân Thành phố, và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố. Đề xuất nhận được nhiều ý kiến tán thành, dù cần phải có thêm thời gian để xây dựng các quy chế phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại lễ khai mạc Diễn đàn Thị trưởng ASEAN (AMF 2022) và Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN (MGMAC 2022

Tham luận của Bộ Nội vụ trong hội nghị trên đã chỉ ra những mặt hạn chế của cơ chế hiện hành, như: tình trạng “cắt khúc” theo từng cấp trong nội bộ, điều hành hành chính mang tính tập thể, trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND chưa rõ ràng.

Thực tế, quy mô phát triển của 3 thành phố: TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội đã tăng vượt bậc so với giai đoạn 10 năm trước. Do đó, dù muốn dù không, mô hình quản lý của 3 thành phố này không thể đánh đồng như các tỉnh thành khác trong cả nước.

Chính quyền đô thị là mô hình mà chúng ta luôn muốn hướng tới, đã thực tế tồn tại ở cả 3 thành phố lúc này, nhưng không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, vì chưa tách bạch được cơ chế.

Đề cập đến lợi ích mà cơ chế Tòa thị chính và Thị trưởng đem lại, trước hết, về mặt quản lý, chúng ta nhận thấy Thị trưởng là người có quyền hạn cao nhất, trực tiếp điều hành hoạt động của chính quyền thành phố. Điều đó cho phép Thị trưởng can thiệp nhanh và hiệu quả hơn Chủ tịch UBND thành phố trong các vấn đề có tính thời sự.

Một số mặt tích cực khác như: Thị trưởng phải cam kết trực tiếp hiệu quả công việc trước người dân thông qua các cuộc vận động tranh cử; Thị trưởng được chọn “ê-kíp” làm việc hiểu mình nên công việc quản lý dễ đạt hiệu quả cao hơn; quy chế từ nhiệm hoặc bãi chức rõ ràng…

Nên chăng, để TP.HCM làm địa phương thí điểm, khó đến đâu, sửa đến đó. Vừa gỡ rối, lại vừa củng cố, hoàn bị dần các quy chế liên quan. Hẳn nhiên, về mặt tổ chức, Bộ Nội vụ cần tham khảo các mô hình thị trưởng trên thế giới, chọn lựa mô hình gần gũi với hình hình thực tế của Việt Nam để rút ngắn được các phần việc không cần thiết trong xây dựng bộ quy chế liên quan đến mô hình này.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều