+
Aa
-
like
comment

Thị trường dầu mỏ sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ đến Ả Rập Xê Út?

Huy Hoàng - 22/07/2022 14:29

Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê Út vừa qua được giới chức Washington kỳ vọng là sẽ có thể thuyết phục đối tác tăng thêm sản lượng khai thác dầu. Từ đó đẩy giá dầu thô toàn cầu đang ở mức cao hiện nay xuống dưới 50 USD/thùng. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ đã không đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào với Ả Rập Xê Út, khiến cho giá dầu thô vẫn loanh quanh mức 100 USD/thùng…

Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê Út.

Xung khắc lợi ích, khó đạt được đồng thuận

Giá dầu giảm tất yếu là có lợi cho nước Mỹ, vì lạm phát là từ giá năng lượng mà ra, chỉ khi nào giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng, thì người Mỹ mới thôi than phiền về giá xăng. Thế nhưng, việc kêu gọi các nhà khai thác dầu mỏ tăng thêm sản lượng ở thời điểm hiện tại lại đi ngược với lợi ích cốt lõi của họ, đó là bán chạy hàng và bán được với giá cao. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ đang đứng trước nguy cơ bị thắt chặt bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Hơn nữa, các nhà khai thác dầu mỏ đang hưởng lợi nhờ giá dầu tăng. Không chỉ có Nga, Ả Rập Xê Út, các nước thuộc OPEC, mà ngay cả tại Mỹ, giới tư bản nước này cũng đang “kiếm chác” không ít. Mỹ cũng là nước nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới. Trong bối cảnh khó khăn, các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ thay vì tăng sản lượng để hạ giá xăng dầu cho người dân trong nước mình, thì họ lại lợi dụng mức giá cao để tiếp tục “găm hàng”, thu được lợi nhuận. Ngay cả bản thân Chính phủ Mỹ cũng bất lực trong việc thuyết phục các nhóm tài phiệt và đành phải mở kho dự trữ xăng dầu để hạ nhiệt thị trường, thì việc đạt được một thỏa thuận với Ả Rập Xê Út là điều dường như không thể.

Chưa kể, mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Mỹ đã không còn như xưa, câu nói “đổi an ninh để lấy dầu mỏ” đã không còn phù hợp. Bởi giờ đây, tại Trung Đông đang có hai “ông lớn” khác tranh giành ảnh hưởng với Washington, đó là Nga và Trung Quốc. Ả Rập Xê Út vì thế mà không còn xem Mỹ như là một đồng minh tuyệt đối. Như vào hồi đầu năm 2022, Hoàng thái tử Mohamed Ben Salmane từng đánh tiếng rằng Ả Rập Xê Út rất có thể niêm yết giá bán dầu hỏa cho Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ chứ không phải bằng USD. Nếu việc xảy ra, nó không khác gì một cú sốc với đồng USD. Một lời dọa dẫm rất thẳng thừng, một thông điệp tuy nhẹ nhàng nhưng đủ để Washington hiểu tình thế hiện nay đã thay đổi như thế nào.

Khi nào giá dầu mới chịu giảm nhiệt?

Giá xăng dầu của Việt Nam giảm kỷ lục hơn 26.000 đồng/lít

Rõ ràng, với những cách làm giá của các nhà sản xuất dầu thì Việt Nam ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều dầu thô nên chừng nào giá dầu thế giới vẫn còn cao thì ngân sách vẫn còn phải căng mình để trợ giá.

Vậy rốt cuộc đến khi nào thì giá dầu mới chịu hạ nhiệt?

Hầu hết các dự báo đưa ra hiện nay đều cho thấy triển vọng kém lạc quan, các tổ chức quốc tế, trong đó có ngân hàng Goldman Sachs, đã dự báo giá dầu sẽ đạt trung bình 140 USD/thùng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay. Còn trong nước, ngân hàng Citibank cũng dự báo giá dầu sẽ tăng trong quý III và quý IV năm nay. Theo đó, giá dầu Brent dự báo sẽ đạt 99 USD/thùng vào quý III và lên đến 85 USD/thùng vào quý IV năm nay. Nhìn chung, giá cả vẫn sẽ ở mức trung bình là 104 USD/thùng trong năm 2022.

Về lý thuyết, để một thị trường hàng hóa bắt đầu một chu kỳ giảm giá, thì cần có sự thay đổi đáng kể của một trong hai cán cân cung – cầu. Trong bối cảnh nguồn cung gần như không có khả năng tăng đột biến trong ngắn và trung hạn, thì yếu tố nhu cầu sẽ là bên quyết định khi nào giá dầu sẽ giảm trở lại. Và chỉ khi nào nhu cầu chung sụt giảm tới mức mà sản lượng dầu đang được cung cấp ra thị trường hiện nay cũng trở nên thừa mứa, thì dầu mới có thể quay đầu giảm giá. Cũng có nghĩa thế giới phải đi qua một cuộc suy thoái ngắn hạn thì giá dầu mới rơi về vùng giá hấp dẫn. Từ đó, sức mua mới dần được hồi phục, do việc tiêu thụ xăng dầu trở nên dễ dàng hơn, nền kinh tế thế giới cũng từ đó mới bắt đầu đi lên.

Tất nhiên, để chu kỳ này diễn ra sẽ cần rất nhiều thời gian, nên Chính phủ cũng đã dự liệu trước, từ đó đề xuất thời hạn áp dụng Nghị quyết giảm thuế xăng dầu sẽ kéo dài từ 1/8/2022 đến 31/12/2022. Những tháng qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Còn hiện nay, giá dầu vẫn sẽ khó hạ nhiệt, trừ khi các nhà khai thác dầu mỏ trên thế giới quyết định bơm thêm dầu vào thị trường.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều