+
Aa
-
like
comment

Thị trường chứng khoán năm 2023: Kỳ vọng về tính minh bạch và niềm tin

Diệu Hương - 30/01/2023 07:46

Thị trường chứng khoán trải qua một năm 2022 đầy biến động, thăng trầm, lên xuống khó lường với nhiều vui buồn lẫn lộn. Những biến động này đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Bước sang năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Một năm nhiều biến động

Nhìn lại năm 2022, thị trường chứng khoán bắt đầu xu hướng giảm điểm từ tháng 4/2022, trước khi xuất hiện những nhịp phục hồi vào tháng 5, 8 và 11. Nhưng tính chung cả năm, chỉ số VnIndex vẫn giảm khoảng 35%. Nhiều nhà đầu tư đã phải thốt lên rằng, họ đã đi đến cùng cực chán nản và muốn buông xuôi khi gánh thua lỗ nặng nề. Một số nhà đầu tư muốn rời bỏ thị trường nhưng không nỡ vì lỗ quá lớn.

Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.

Sự bùng nổ hội nhóm kín và rộ tin đồn thất thiệt khiến nhiều doanh nghiệp rối bời và lên tiếng trấn an dư luận, nhưng hậu quả để lại với giá cổ phiếu là không tránh khỏi. Trước thực trạng trên, Bộ Công an liên tục đưa ra khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận.

Hoạt động thanh tra, giám sát trên thị trường chứng khoán năm 2022 cũng để lại nhiều dấu ấn trong xử lý vi phạm hành chính lẫn hình sự. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 442 trường hợp, với tổng số tiền phạt 33,41 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp về thao túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư….

Một năm buồn của thị trường chứng khoán Việt Nam, không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, khi đã không có quyết tâm giảm nhiệt sớm hơn, với những biện pháp “giảm sốc” được tính toán tốt hơn, “tuýt còi” kịp thời hơn trung gian thị trường đã làm trái quy định pháp luật, và nhất là không ổn định được tâm lý nhà đầu tư. Hệ quả buồn là Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phải nhận quyết định kỷ luật và bị cách chức, điều chưa có tiền lệ trong hơn 20 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chủ tịch FLC bị bắt giữ về tội thao túng chứng khoán

Kỳ vọng về tính minh bạch và niềm tin

Dưới góc nhìn của người trong nghề, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu xảy ra thua lỗ, thậm chí lỗ lớn trong bối cảnh thị trường như vậy, là điều rất bình thường. Đầu tư cần xác định là một con đường dài và nhìn về phía trước. Thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng lúc nào cũng rất nhiều cơ hội, nếu có phương pháp tiếp cận đúng.

Năm 2023 được xác định là năm bản lề, việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý các cấp. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính đã nhiều lần khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Mới đây nhất, phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và theo đúng quy định pháp luật…”.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều