Thị trường chứng khoán: Chấn chỉnh ngắn hạn nhưng phát triển dài hạn
Những năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có bước phát triển mạnh mẽ để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp. Xu hướng này đã theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự thị trường cũng như quyền lợi của nhà đầu tư. Vấn đề này cần được quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời.
Mới đây, thị trường chứng khoán đã dậy sóng với những sai phạm nghiêm trọng đến từ phía Tập đoàn FLC và Tập đòan Tân Hoàng Minh. Việc xử lý nghiêm một số tổ chức phát hành trái phiếu không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật này cho thấy các cơ quan chức năng đang rất quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư và quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Xem xét cụ thể vấn đề về lâu dài thì các chuyên gia cho rằng, khung pháp lý cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện còn những lỗ hổng cần sửa đổi, thay thế. Vì vậy, điều cần làm trước mắt chính là bình ổn lại thị trường, có biện pháp khuyến khích cũng như bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Để làm được điều đó, trước hết, cần xác minh rõ các tổ chức phát hành trái phiếu, ngân hàng cho vay bất động sản và dư nợ. Việc quan trọng không kém và có ý nghĩa dài hạn chính là có quyết tâm cao hơn trong xây dựng môi trường pháp lý nghiêm minh cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Một trong những điều mà Việt Nam còn thiếu đó là thành lập các công ty đánh giá/xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có tính độc lập và hiệu quả hoạt động cao. Qua đó, cũng góp phần nâng cao tính hiệu quả, độ an toàn cho phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Hành động “siết chặt thị trường” này của Nhà nước đã dẫn tới sự đi xuống chung của thị trường chứng khoán trong nước, làm rất nhiều nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm vàng để thị trường chọn lọc nhà đầu tư thông minh. Nếu trong lúc hoảng loạn, chúng ta càng bán tống bán tháo thì giá cổ phiếu lại càng trượt dài, lỗ càng thêm lỗ. Việc quan trọng nhất lúc này là thật sự bình tĩnh, lựa chọn thật thông minh những Tập đoàn có tiềm năng thật sự để đầu tư chứ không phải đầu cơ. Để làm được điều đó thì nhà đầu tư phải có tầm nhìn chiến lược, biết phân tích báo cáo tài chính của từng Tập đoàn mình lựa chọn đầu tư. Tránh tuyệt đối trường hợp như cổ phiếu của FLC, khi báo cáo tài chính của Tập đoàn không có gì nổi bật nhưng giá cổ phiếu ngày càng tăng thì rõ ràng là có thế lực thao túng phía sau. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý không phải bất cứ các tổ chức tín dụng hay công ty chứng khoán phân phối TPDN nào cũng đảm bảo an toàn cho việc đầu tư, cần có sự chọn lọc thông minh, kĩ càng.
Bộ Tài chính cũng đã đặc biệt lưu ý, quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Theo đó, mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, Chính phủ rất quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam nhưng các nhà đầu tư cũng phải biết rằng: lựa chọn của bản thân vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu. Không phải bởi vì được nhà nước bảo vệ quyền lợi mà mỗi khi thua lỗ là lại đòi bồi thường từ Bộ Công thương, đã gọi là đầu tư thì luôn tiềm ẩn rủi ro. Mỗi cá nhân hãy góp sức mình cùng Chính phủ xây dựng một thị trường chứng khoán Việt Nam lành mạnh để góp phần tăng trưởng kinh tế thị trường. Mọi hành vi lạm dụng thị trường vì lợi ích cá nhân đều sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.
LS Lê