Thị trường bất động sản càng thu hút đầu tư, người dân càng có lợi?
Theo dữ liệu được Ngân hàng Hàn Quốc công bố mới đây, Việt Nam đang là thị trường phổ biến thứ 2 ở nước ngoài với các nhà đầu tư bất động sản Hàn Quốc. Trong năm 2018, 56,1 triệu USD đã được các nhà đầu tư Hàn Quốc đổ vào Việt Nam. Con số này chỉ sau mỗi Hoa Kỳ với 155,2 triệu USD. Thị trường bất động sản càng thu hút đầu tư, người có thu nhập thấp có dễ mua được nhà?
Thị trường bất động sản tại Việt Nam nhộn nhịp, thu hút nhiều nhà đầu tư là vậy, nhưng lại có rất nhiều người dân không mua được nhà. Vậy có gì nghịch lý không?
Câu trả lời là không nghịch lý. Chính vì thực trạng hiện nay tại Việt Nam, phân khúc sản phẩm chưa đồng đều, những “giỏ hàng” bất động sản phân hóa ở tầm cao quá nhiều, người có thu nhập cao và người có thu nhập khá có rất nhiều lựa chọn. Trong khi đó, người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận với các sản phẩm nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội do nguồn cung ít. Nói đâu xa, các công ty lớn của Tp.HCM như Vincom, Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Novaland,… không ai làm nhà giá thấp, hầu hết họ chỉ làm nhà giá cao cho người giàu. Đó là chưa kể, giá bất động sản tăng phi mã hàng ngày cũng trở thành áp lực rất lớn với không ít người dân. “Nhà mới hỏi hôm qua, hôm nay đã tăng giá lên cả trăm triệu” – đây là chuyện không mới, mà đó đã và đang là thực trạng, bài toán đánh đố các nhà làm chính sách xã hội.
Theo kết quả điều tra dân số tại thời điểm ngày 1/4/2019, TP. Hồ Chí Minh có 8,99 triệu người thường trú. Dân số Thành phố tăng khoảng 183.000 người/năm. Theo khảo sát của Sở Xây dựng, thành phố, năm 2017 có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM – HoREA cho hay, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.
Nhưng hiện nay, thị trường hiện đang thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp. Trong khi đó, giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân. Trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân.
Về phía Nhà nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã ngừng triển khai từ lâu.
Riêng TPHCM đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng. Đến nay, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người, nhưng chủ yếu lại là công chức thuộc ngành y tế, giáo dục. Thiết nghĩ, chính sách này TP.HCM cần phải được nhân rộng, cần phải trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên (thuộc loại nhà có giá vừa túi tiền) thì mới công bằng với người dân, từ đây góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Về phía các cơ quan chức năng, cần phải hoạch định – xây dựng chính sách, tạo điều kiện để người dân có được nhiều cơ hội tiếp cận các khoản vay để mua nhà ở. Hàng năm chính quyền phải có cuộc khảo sát nhu cầu nhà ở quy mô rộng để nắm bắt thực tế, nhằm xây dựng chương trình nhà ở cho phù hợp. Như vậy, giá bất động sản sẽ không bị tầng lớp nhà đầu tư trung gian làm giá, giảm tình trạng giá tăng phi mã, tăng nóng.
Thái Thanh