Thi thể nằm giữa phố – thảm cảnh của Brazil vì Covid-19
Tính đến ngày 26/6, Brazil ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm, 55.054 trường hợp tử vong vì Covid-19, và đang trên đã vượt Mỹ trở thành điểm nóng số một thế giới.
Hosana Castro sống cùng với cha, hai anh trai và hai đứa con trong một ngôi nhà nhỏ tại thủ phủ Sao Luis của bang Maranhao, Brazil. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi công việc thu ngân của cô.
Tại khu phố đông đúc nơi gia đình Castro sinh sống, người dân không hề đeo khẩu trang và không có nước sạch để sinh hoạt. Anh trai Fidel là người đầu tiên nhiễm Covid-19. Người anh còn lại, Francisco, và người cha già mắc bệnh tiểu đường là những bệnh nhân tiếp theo.
Dù nhiễm virus corona, gia đình này không có ý định đến bệnh viện. Giống như nhiều người dân khác tại Maranhao, gia đình Castro tin rằng cho người thân nhập viện là “án tử”, theo Bloomberg.
Tại Brazil, sự lây lan của virus corona không có dấu hiệu giảm tốc trong khi nhiều quốc gia tại châu Á, châu Âu và Mỹ đã dần vượt qua đỉnh dịch. Chỉ trong 2 tháng qua, số liệu về dịch tại Brazil đã vượt qua nhiều điểm nóng như Tây Ban Nha, Italy và Anh.
Quốc gia Nam Mỹ này đang là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới. Đáng chú ý, Brazil đang trên hành trình vượt Mỹ về số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19.
Tại sao lại là Brazil?
Có rất nhiều lý do khiến Brazil vẫn loay hoay, chưa tìm ra lời giải cho bài toán đại dịch. Quốc gia Nam Mỹ này không thể chống dịch trên phạm vi toàn quốc do có dân số đông đúc, đói nghèo và một bộ máy quản lý thiếu nhất quán.
Với hơn 210 triệu dân, Brazil áp dụng thể chế liên bang, trao quyền hạn cho quan chức địa phương nhằm giải quyết vấn đề y tế cộng đồng. Song quan điểm khác biệt của Tổng thống Jair Bolsonaro liên tục cản trở nỗ lực ứng phó với dịch tại nhiều tiểu bang.
Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng của các cấp chính quyền khiến người dân không nhận được sự trợ giúp kịp thời. Hậu quả nghiêm trọng là tỷ lệ tử vong tại nhiều bang đạt mức kỷ lục, trong đó có bang Para.
Tại tiểu bang này, trung bình cứ 100.000 người thì có 50 người chết vì Covid-19. “Tôi thấy các gia đình khóc thương người đã khuất ngay trên xe cấp cứu, nhiều người được hô hấp nhân tạo trên vỉa hè vì bệnh viện quá tải”, Chủ tịch Hội đồng Thư ký Y tế Alberto Beltrame cho biết.
Khi đến thăm một nhà xác tại thủ phủ Belem của bang Para, ông Beltrame thấy hàng trăm thi thể bệnh nhân nằm rải rác khắp nơi. “Đây là những gì người ta nhìn thấy trong thời chiến”, ông Beltrame chia sẻ.
Nhân tố Jair Bolsonaro
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân chính đẩy Brazil vào thảm cảnh là quan điểm khác thường của Tổng thống Jair Bolsonaro. Từ khi dịch bùng phát, ông Bolsonaro liên tục xem thường dịch bệnh và có nhiều hành động đi ngược lại các khuyến cáo từ giới y tế.
Ông Bolsonaro từng chỉ trích gay gắt lệnh phong toả và giãn cách xã hội do chính quyền tiểu bang ban hành. Tổng thống Brazil viết trên Twitter: “Thất nghiệp, đói nghèo chính là tương lai của những kẻ ủng hộ giãn cách xã hội”.
Không chỉ có vậy, ông Bolsonaro còn thường xuyên kích động và trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình chống giãn cách xã hội. Những cuộc tụ tập này thu hút hàng nghìn người đứng sát nhau và không đeo khẩu trang.
Sau chuyến thăm chính thức tới Mỹ hồi tháng 3, nhiều cố vấn thân cận của ông Bolsonaro, bao gồm Trợ lý Truyền thông Fabio Wajngarten, xét nghiệm dương tính với virus corona. Song vị tổng thống 65 tuổi vẫn không hề lo lắng và có nhiều động thái “ngược đời”.
Cuối tháng 3, ông Bolsonaro kêu gọi thống đốc các bang hạn chế kiểm dịch và khẳng định “không sợ Covid-19”. Ông cũng từng phát biểu trong một chuyến thăm: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với nó (Covid-19), song chúng ta sẽ đối mặt như một người đàn ông”.
Tạp chí y khoa The Lancet bình luận ông Jair Bolsonaro là “mối đe doạ lớn nhất đối với công cuộc chống dịch ở Brazil”.
Chính phủ Brazil đang làm gì?
Khác với Mỹ và nhiều nước châu Âu, chính phủ Brazil không thể tung ra các gói viện trợ kinh tế vì ngân sách eo hẹp. Tài chính công vốn là một vấn đề còn bỏ ngỏ sau khi nước này rơi vào khủng hoảng kinh tế trong năm 2015-2016.
Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều công trường và dự án xây dựng bệnh viện vẫn nằm ngổn ngang. Tình trạng này tiếp tục nhắc nhở Brazil về cuộc chiến chống tham nhưng chưa bao giờ có hồi kết.
Đối với người dân Brazil, vật tư y tế là một điều xa xỉ, bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm trên toàn cầu và từ bộ máy quan liêu, tham nhũng ở nước này.
Theo Bloomberg, cảnh sát địa phương đang bận rộn với các sai phạm trong mua bán thiết bị y tế, nhiều quan chức tại bang Para hay Rio de Janeiro đã bị sa thải. Hệ thống y tế của Brazil liên tục quá tải trong khi chính phủ “đau đầu” trước làn sóng bùng phát dịch lần 2.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công giáo Giáo hoàng Rio de Janeiro ước tính Brazil có thể ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm và 60.000 ca tử vong vào cuối tháng 6.
Viện Đo lường và Đánh giá của Đại học Washington (Mỹ) cũng dự đoán Brazil sẽ vượt Mỹ và trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới vào giữa tháng 7.
Nhà dịch tễ học Julia Croda của Bộ Y tế Brazil cho biết: “Chúng ta còn phải đối mặt với dịch bệnh trong nhiều tháng nữa. Song điều đáng buồn là đường cong của dịch vẫn chưa đạt đỉnh”.
(Theo Bloomberg)