+
Aa
-
like
comment

Thí sinh vùng dịch bất an trước ngày thi tốt nghiệp

01/08/2020 19:26

Nhiều thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang như “ngồi trên đống lửa” khi ngày thi tốt nghiệp THPT cận kề mà số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng.

Khánh Đoan, học sinh ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức thi tốt nghiệp THPT với học sinh vùng dịch như kiến nghị của lãnh đạo UBND thành phố chiều 31/7.

Phó chủ tịch Lê Trung Chinh đã đề xuất Bộ tham mưu với Chính phủ cho dừng thi, xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh địa phương khi Covid-19 ở Đà Nẵng đang phức tạp nhất cả nước, “cần đặt an toàn của học sinh lên trên hết”. Thành phố có gần 11.000 thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 9-10/8.

Tấm biển đặt trước cổng trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, ngày 31/7. Ảnh: Hoàng Phương.
Tấm biển đặt trước cổng trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, ngày 31/7.

Khánh Đoan đang rất áp lực trước kỳ thi, khi số ca nhiễm ở Đà Nẵng liên tục gia tăng. Nếu phải đeo khẩu trang khi làm bài em sẽ không thể tập trung tuyệt đối. Chưa kể, nếu người thân, bạn bè, hoặc chính mình nằm trong danh sách F1, F2, F3, thí sinh sẽ càng khủng hoảng hơn, chất lượng bài làm bị giảm sút, không thể hiện đúng năng lực. Nếu biến cố xảy ra sẽ rất tiếc nuối cho những công sức, cố gắng mà các em đã bỏ ra trong thời gian dài.

“Xét tốt nghiệp không phải là ưu tiên mà đặt sức khỏe cộng đồng lên trên hết. Nếu hoàn thành xong bài làm mà một trong số tụi em có vấn đề gì thì quá là cực cho những y bác sĩ tuyến đầu đang nỗ lực 100% để chống dịch”, Đoan nói.

Trong thời gian chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, Đoan vẫn ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất nếu kỳ thi vẫn tổ chức. Điều em buồn nhiều hơn là mỗi sáng mở mắt dậy lại nghe thêm ca nhiễm mới. “Nhưng đọc tin tức xong là em lại ngồi vào bàn học. Có buồn, có hoang mang nhưng mà vẫn phải tiếp tục cố gắng thôi, vì kỳ thi là bước ngoặt quan trọng nhất trong đời tụi em”.

Chung suy nghĩ với Khánh Đoan, Nguyễn Trường Hiếu (THPT Phan Châu Trinh) đã trải qua một tuần tù túng, chỉ “ngồi trước bàn” và “nằm trên giường”, kể từ khi công bố “ca bệnh 416” ở Đà Nẵng. Điều em lo nhất là lúc đi thi không đảm bảo an toàn, dù ngồi cách nhau 2 mét. Trời nóng, đeo khẩu trang hàng trăm phút khi làm bài cũng rất khó chịu.

“Những ngày qua, em và bạn bè đã quá bất an, và giờ không muốn sự căng thẳng kéo dài thêm nữa”, Hiếu nói. Thí sinh vẫn có thể dùng học bạ để xét tuyển vào trường đại học mong muốn. Hiếu đã ứng tuyển bằng học bạ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học FPT cho gần nhà.

Học sinh đo thân nhiệt trong mùa dịch. Ảnh: Đắc Thành.
Học sinh đo thân nhiệt trong mùa dịch.

Bố Hiếu đi làm tận Quảng Ngãi, vì dịch không thể trở về, nhà chỉ còn hai mẹ con. Nhà không có ban công, cũng không có sân vườn, không gian sống của chàng trai 18 tuổi bó gọn lại trong căn phòng hai chục mét vuông.

Trước ngày 24/7, Hiếu vẫn đến thư viện, học nhóm với bạn bè. Tuần trước lên trường lấy giấy báo dự thi, cả nhóm đã thống nhất lịch trình đi Đà Lạt chơi ngày 18/8. Thấy từng đoàn khách du lịch quay trở lại, Hiếu cảm nhận được thành phố đang hồi sinh sau Covid và không bao giờ nghĩ dịch tái bùng phát dữ dội vậy, vì Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước “chống dịch tốt nhất thế giới”.

Quảng Nam, địa phương giáp Đà Nẵng đến hôm nay đã ghi nhận 21 ca nhiễm nCoV. Một thành phố, một thị xã và bốn huyện của tỉnh này nằm trong vòng cách ly xã hội. Trong khi chỉ còn một tuần, hơn 16.500 thí sinh Quảng Nam cũng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lãnh đạo tỉnh đã xây dựng ba kịch bản ứng phó: tổ chức bình thường; lùi hoặc xin xét đặc cách như Đà Nẵng, tùy vào diễn biến của dịch.

Vì lý do an toàn, nhiều thí sinh Quảng Nam cũng không muốn tổ chức thi tốt nghiệp như học sinh Đà Nẵng. Hà My, THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã biết kiến nghị của lãnh đạo địa phương và đồng tình với đề xuất này, bởi cả học sinh và phụ huynh đều bất an khi dịch chưa được kiểm soát.

“Kỳ thi diễn ra, ai đảm bảo được việc cả trăm thí sinh tập trung tại điểm thi, ai đang mang mầm bệnh. Tại sao lại kiên quyết phải thi, trong khi dịch bệnh còn chưa được kiểm soát ?”, My đặt câu hỏi.

THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trong 52 điểm thi tốt nghiệp THPT của Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành.
THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trong 52 điểm thi tốt nghiệp THPT của Quảng Nam.

Nữ sinh phân tích thêm, lùi kỳ thi đến tháng 9 là “quá lâu”. Học sinh lớp 12 đã trải qua một năm học nhiều biến động, nghỉ học thời gian dài vì dịch bệnh. Học sinh đa phần do tự học mà không phải từ lên lớp trực tiếp. Nếu kéo dài, kiến thức của các em sẽ hao hụt dần, dễ nản lòng.

Nếu lùi lịch, thí sinh Quảng Nam thi sau cả nước. Điều này khó đảm bảo công bằng, khi học sinh tỉnh khác đã biết kết quả, nộp hồ sơ vào đại học. Trường lấy đủ chỉ tiêu, đâu còn cơ hội cho thí sinh Quảng Nam xét tuyển. Nhiều trường tốp đầu lại không xét tuyển học bạ mà lấy kết quả thi. Hà My mong muốn, Bộ và tỉnh xem xét tình hình để có phương án phù hợp.

Lê Hùng, sĩ tử Quảng Nam như “ngồi trên đống lửa” khi cận kề ngày thi mà hàng ngày vẫn có thêm ca nhiễm. Cậu đăng ký ngành Răng hàm mặt, Trường Y dược Huế. Điểm ngành Y rất cao, xét học bạ khó có cơ hội hơn là thi, trường cũng căn cứ vào kết quả thi để xét tuyển.

“Nếu kiểm soát được dịch, nên tổ chức thi. Còn xét học bạ, cơ hội đậu của thí sinh Quảng Nam các trường tốp đầu sẽ rất thấp”, Hùng bày tỏ.

Ngày 9-10/8, khoảng 900.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Ngày 27/7, sau chỉ đạo vẫn tổ chức kỳ thi của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phân loại thí sinh theo bốn nhóm là F0, F1, F2 và thí sinh khác để phòng tránh dịch.

Từ 25/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 86 ca nhiễm nCoV, Quảng Nam 21 ca. Tổng số ca nhiễm trên cả nước hiện 558, trong đó 373 người đã khỏi, ba người tử vong, còn 182 bệnh nhân đang điều trị.

Hoàng Phương – Đắc Thành – Nguyễn Đông/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều