Thi người đẹp ‘có thể trở thành ngành kinh doanh béo bở’
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cuộc thi người đẹp nào cũng vướng lùm xùm, nếu không quản lý tốt sẽ biến thành “ngành kinh doanh béo bở”.
Cho ý kiến dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sáng 14/7, ông Hiển nói, thi hoa hậu, người đẹp là để tôn vinh cái đẹp, là xu thế văn hóa tốt. Tuy nhiên, thời gian qua cuộc thi này đã bị biến tướng vì lợi nhuận, mục tiêu không chính đáng. Vì thế nên hạn chế các cuộc thi người đẹp và không nên phân cấp cho địa phương.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói không thể tổ chức hàng loạt cuộc thi người đẹp ở nhiều cấp, thậm chí đến cả thôn, xã. “Cần có quy định cụ thể để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân”, ông Phúc nhấn mạnh.
Trình bày tờ trình trước đó, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ban soạn thảo muốn phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu. Thí sinh cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó.
Trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan đều thống nhất phải có quy định quản lý các cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng chưa thống nhất về biện pháp. Vì vậy, Bộ đưa ra hai phương án xin ý kiến thành viên Chính phủ.
Phương án 1 là giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh quản lý cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn để cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước và hạn chế tiêu cực. Phương án 2 là tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm. Kết quả, 20/23 thành viên Chính phủ chọn phương án 1.
Riêng Bộ Tư pháp cho rằng, việc kiểm soát số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức chui. Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi.
Để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường quản lý nhà nước, Chính phủ đề xuất cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính so với quy định hiện nay bao gồm cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam được cắt giảm giấy phép vì chúng tôi nhận thấy nhóm người này đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, pháp luật về lao động”, ông Thiện nói và cho biết thủ tục hành chính còn lại được đơn giản hóa, thay đổi từ kiểm duyệt sang kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đề xuất này không được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, chủ trương chuyển từ phê duyệt, thẩm định sang kiểm tra và xử phạt nghe rất hay, tân tiến. Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác với đầu tư thuần túy, là lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhạy cảm nên không thể bỏ “tiền kiểm”.
“Nếu họ biểu diễn nội dung phản cảm thì công chúng bị ảnh hưởng ngay lập tức, cơ quan chức năng dù có đi kiểm tra và cho dừng tại chỗ thì hậu quả đã rồi. Tôi đề nghị cân nhắc kỹ chứ không thể theo cơ chế thị trường được”, ông Lưu nói.
Ông cũng không đồng ý với giải thích của Chính phủ là đã có luật xuất nhập cảnh nên bỏ điều kiện người nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn. Vì hoạt động biểu diễn nghệ thuật cần có điều kiện khác với xuất nhập cảnh, cơ quan chức năng cần biết họ sẽ biểu diễn gì, nội dung, tư tưởng nghệ thuật ra sao?
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói mấy chục năm làm luật, tham gia Quốc hội, bà thấy từ “hậu kiểm” chỉ dùng trong hoạt động hải quan thông quan, kiểm toán. “Lĩnh vực biểu diễn là về tư tưởng, văn hóa mà chúng ta quản lý theo phương thức hậu kiểm thì cần nghiên cứu thêm”, bà Phóng đề nghị.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang điều chỉnh bởi Nghị định 79/2012 và Nghị định số 15/2016 song theo Chính phủ hiện nay đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc. Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng…) đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức lợi dụng sự chồng chéo để trục lợi.
Dự thảo nghị định đề xuất “không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế” để khắc phục vấn đề tác động giới. Nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.
Thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu cần đáp ứng điều kiện “không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.
Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về điều kiện, năng lực tổ chức, quản lý; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.
Hoàng Thùy/VNE