+
Aa
-
like
comment

Thép Việt bị Mỹ áp mức thuế khủng 456,2%, cách nào để tránh?

17/12/2019 19:28

Sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CR) xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị áp mức thuế lên đến 456,2% nếu không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng không liên quan đến Đài Loan, Hàn Quốc và cả Trung Quốc.

Hiệp hội thép VN (VSA) cho biết đang theo dõi sát thông tin về mức áp thuế với các sản phẩm thép này, một vụ việc được Hoa Kỳ tiến hành điều tra từ Việt Nam hơn một năm kể từ khi khởi xướng vụ kiện hồi năm 2018, cũng như ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc vào tháng 7-2019 vừa qua.

Thép Việt bị Mỹ áp mức thuế khủng 456,2%, cách nào để tránh? - Ảnh 1.
Việc chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu nhập khẩu từ quốc gia nào sẽ giảm bớt áp lực bị áp thuế cao từ chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ đối với ngành thép – Ảnh: T.V.N

Theo Bộ Thương mại Mỹ (DOC), việc ngành thép Việt Nam sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Đài Loan và Hàn Quốc từ 2016.

Khi ban hành kết luận sơ bộ vào tháng 7-2019, DOC khẳng định có việc các doanh nghiệp VN lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội từ việc sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan) và Hàn Quốc, nên quyết định áp thuế “kép” chống bán phá giá lẫn trợ cấp để ngăn xuất khẩu sang Mỹ.

Theo một cán bộ có thẩm quyền của Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tùy thuộc vào mức độ doanh nghiệp thép Việt Nam chứng minh được nguồn gốc, xuất nguyên liệu nguyên liệu cán nóng sử dụng từ nước nào, mức thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) sẽ được DOC áp mức tương thích theo cơ chế chứng nhận.

Cụ thể, trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được hàng xuất khẩu sang Mỹ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ quốc gia nào, thì phải chịu mức thuế mà Mỹ đã áp dụng đối với Trung Quốc nhằm tránh trường hợp trốn thuế.

Cụ thể, đối với sản phẩm thép chống ăn mòn, mức thuế chống bán phá mà Mỹ dành cho Trung Quốc là 199,43%, thuế chống trợ cấp là 39,05%.

Với sản phẩm thép cán nguội, mức thuế chống bán phá của Trung Quốc đang chịu khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 199,76%, trong khi thuế chống trợ cấp lên đến 256,44%.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhưng không chứng minh được từ nước nào, thì tổng mức thuế áp sẽ sử dụng mức thuế đã áp với Hàn Quốc là 53,69%.

Còn khi doanh nghiệp chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng lại không chứng nhận được từ nước nào, doanh nghiệp sẽ bị áp mức thuế đã áp dụng với Đài Loan là 10,34%.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ khoảng 354.000 tấn, trị giá khoảng 258,9 triệu USD. Nếu so với thời điểm tháng 5-2019, sản lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã giảm khoảng 2%.

Theo các chuyên gia, kể từ khi phía Mỹ khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã chủ động mở rộng thị trường sang nước khác, cũng như tăng sử dụng nguồn nguyên liệu cuộn cán nóng (là nguyên liệu đầu vào của cuộn cán nguội – PV) nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Trong khi đó, một cán bộ có thẩm quyền của VSA cho biết kể từ tháng 6-2017, khi giai đoạn 1 của FHS Hà Tĩnh đi vào hoạt động chính thức đã cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 30% nhu cầu về thép cuộn cán nóng.

Năm 2019, dự kiến sẽ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường trong nước và đến năm 2020 khi Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được khoảng 70-80% nhu cầu thị trường trong nước.

Mặt khác, bên cạnh nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng sản xuất trong nước, VN hiện còn nhập khẩu từ các quốc gia khác như Nhật Bản, Áo, Bỉ.. “nên việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguồn nguyên liệu cán nóng từ quốc gia nào tới đây là rất quan trọng với các doanh nghiệp thép trong nước”, một chuyên gia trong ngành thép nhận định.

(Theo TTO)

Bài mới
Đọc nhiều