+
Aa
-
like
comment

Thêm SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Hội đồng thẩm định can thiệp quá sâu?

09/10/2019 06:15

Bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gồm 3 môn: Toán 1, Tiếng Việt 1 và Đạo Đức 1, trong đó, bản thảo 2 môn Toán và Tiếng Việt đã bị hội đồng thẩm định loại từ vòng 1. Bản thảo môn Đạo đức 1 đi tiếp vòng 2 nhưng đến giờ cũng chính thức bị loại.

Năm 2020 đủ SGK lớp 1 cho 9 môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Như Ý

Bộ GD&ĐT cho biết, qua 2 vòng thẩm định, có 38/49 bản thảo SGK đạt yêu cầu và đáp ứng đủ 9 môn học. Như vậy, không lo thiếu SGK lớp 1 vào năm 2020 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hội đồng thẩm định can thiệp quá sâu?

Theo biên bảo họp hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức lớp 1 (vòng 2) mà phóng viên Tiền Phong có được, 8/9 thành viên có mặt tại buổi họp đánh giá bản thảo Đạo đức lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại không đạt. Theo kết luận của hội đồng, so với vòng 1, bản mẫu SGK vòng 2 đã được chỉnh sửa khá nhiều.

Tuy nhiên, nhiều nội dung chỉnh sửa chưa đảm bảo đúng, chính xác theo các góp ý sửa chữa của Hội đồng thẩm định vòng 1, đặc biệt là các góp ý của Hội đồng về bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK về cấu trúc bài học. Bản mẫu SGK vòng 2 vẫn còn nhiều lỗi cần phải đầu tư nhiều thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện.

“Như vậy ở thời điểm hiện tại, bản mẫu SGK chưa đáp ứng được các quy định của Thông tư 33 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn Đạo đức lớp 1” – Hội đồng thẩm định kết luận. Cũng theo Hội đồng, với các ưu điểm đã có của bản mẫu SGK, các tác giả có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để thẩm định trong thời gian tới.

Trả lời báo chí, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết, các bản thảo gửi đến đều rất công phu, thể hiện tính trách nhiệm tâm huyết của các tác giả, nghiên cứu kỹ chương trình theo Thông tư 32 về nội dung, kiến thức năng lực cần đạt. Đặc biệt, các tác giả chú ý đến đổi mới phương pháp và tính gợi mở của chương trình để phù hợp với nhiều đối tượng vùng miền khác nhau, thể hiện sự đa dạng và phong phú. Nhiều bản thảo thể hiện tính thực tế, ví dụ với môn Tự nhiên xã hội, các tác giả tiệm cận tốt tiến bộ quốc tế.

Tuy vậy, có một số bản thảo chưa thực sự nghiên cứu kỹ chương trình. Trong quá trình thiết kế, thời lượng kiến thức chưa đảm bảo chương trình. Có 8 bản thảo vòng 1 không đạt không được tham gia vòng 2. Các bản thảo còn lại đều được đánh giá ở mức đạt cần sửa chữa. Vòng 1 không có bản thảo nào đạt. Các tác giả được mời đến đồng ý với ý kiến của Hội đồng.

Tuy nhiên, theo ý một số tác giả có bản thảo tham gia thẩm định, Hội đồng thẩm định đang can thiệp quá sâu vào cấu trúc từng bài của mỗi cuốn sách. Ví dụ, tại bản thảo cuốn Đạo đức do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, với yêu cầu về nội dung SGK, Hội đồng thẩm định đưa ra những nhận định như: chủ đề quan tâm, chăm sóc ông bà, các bài học thể hiện thừa yêu cầu vì sao phải quan tâm chăm sóc người thân.

Hay về phương pháp giáo dục, Hội đồng thẩm định cũng đưa ra nhận xét như sử dụng nhiều câu hỏi có không (21/32 bài). Hoặc như tên của nhiều hoạt động không phù hợp, không rõ cách tổ chức và yêu cầu thực hiện hoạt động như: tại sao (29/32 bài), cho ai (bài tự giác gấp quần áo), khi nào (bài học cách rửa mặt)…

38 bản thảo SGK đạt yêu cầu

Chiều qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết trong lần thẩm định này, Bộ GD&ĐT nhận được 49 bản thảo của 9 môn học. Qua hai vòng thẩm định theo quy định thông tư, có 11 bản thảo không đạt, trong đó vòng 1 có 8 bản thảo, vòng 2 có 3 bản thảo.

Như vậy, còn 38/49 bản thảo đạt yêu cầu (đạt 77,5%). Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, những bản thảo không đạt yêu cầu thường là không tuân thủ theo thời lượng chương trình quy định. Những bản thảo không đạt ở vòng 2 thường là các tác giả có sửa chữa nhưng vẫn chưa đạt theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.

Ông Thái Văn Tài thông tin thêm, 38 bản thảo đạt yêu cầu đủ cho 9 môn học của lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với những bản thảo bị loại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, nhiều tác giả mong muốn tiếp tục chỉnh sửa để đưa hội đồng thẩm định lại lần nữa. Ông Độ hy vọng, các tác giả sửa để đưa thẩm định kịp trong tháng 11 vì cần thời gian để xuất bản SGK vào năm tới.

Nghiêm Huê/Tiền Phong

Bài mới
Đọc nhiều