Thêm người chết sau tiêm vaccine Covid-19 Trung Quốc
Người đàn ông 71 tuổi tử vong gần một tuần sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac, chưa rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Cơ quan y tế Hong Kong cho biết người đàn ông 71 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac ngày 3/3, nhập viện ở quận Kwun Tong tối 7/3 trong tình trạng không còn mạch đập và không phản ứng với nỗ lực hồi sức cấp cứu. Nạn nhân được xác nhận tử vong không lâu sau đó và sẽ được khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân cái chết.
Giới chức cho biết người đàn ông có một số triệu chứng trước khi nhập viện, nhưng không nói thêm chi tiết. Đây là ca tử vong thứ ba sau khi tiêm vaccine Covid-19 tại Hong Kong, sau hai người đàn ông 55 và 63 tuổi có nhiều bệnh lý mạn tính.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh đặc khu đang mở rộng chiến dịch tiêm chủng, dự kiến mở thêm 12 trung tâm tiêm chủng vào tuần sau. Thêm 7 nhóm người, trong đó có nhân viên nhà hàng, lái xe buýt và giáo viên, sẽ được đăng ký tiêm vaccine Covid-19 kể từ ngày 9/3.
Sở Y tế Hong Kong hôm nay cũng thông báo 18 người phải nhập viện sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac, trong đó hai người phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Con số này tương đương 0,019% trong tổng số 91.800 người đã tiêm vaccine của Trung Quốc đại lục tới nay.
Tổng thư ký hành chính Hong Kong Matthew Cheung Kin-chung khẳng định chính quyền sẽ thường xuyên cập nhật công khai tình hình tiêm vaccine, đồng thời giám sát chặt chẽ chương trình tiêm chủng để giải đáp lo ngại của người dân.
Hong Kong khởi động chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 2 bằng vaccine Sinovac. Khoảng 83.400 người dân Hong Kong đã tiêm mũi đầu tiên từ ngày 22/2 tới 6/3. Thành phố nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Pfizer với 585.000 liều hôm 27/2. Hong Kong đến nay ghi nhận 11.090 ca nhiễm nCoV, trong đó 202 người đã chết.
Vaccine Covid-19 của Sinovac sử dụng virus bất hoạt, có thể dễ dàng vận chuyển ở dạng đông khô nhưng kích thích đáp ứng miễn dịch yếu hơn vaccine chứa virus sống. Trước khi được cấp phép sử dụng đại trà, loại vaccine này từng được phê chuẩn triển khai hạn chế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó gây nhiều ngờ vực khi thử nghiệm lâm sàng ở Brazil cho thấy hiệu quả chỉ đạt hơn 50%, mức tối thiểu để các cơ quan quản lý có thể cho phép triển khai tiêm chủng.
(Theo SCMP)