+
Aa
-
like
comment

Thêm một hãng thời trang Mỹ nộp đơn phá sản, một DN Việt có nguy cơ mất trắng 166 tỷ đồng?

17/07/2020 06:57

Chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang nữ New York & Company – RTW Retailwinds vừa nộp đơn xin phá sản là một trong những khách hàng truyền thống lớn nhất của May Sông Hồng. Hiện May Sông Hồng đang có khoản phải thu là 166,7 tỷ với khách hàng này. Liệu May Sông Hồng có bị mất trắng 166 tỷ đồng khi đối tác phá sản?

Công ty mẹ New York & Company – khách hàng “khủng” của May Sông Hồng nộp đơn phá sảnChủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang nữ New York & Company – RTW Retailwinds vừa tuyên bố hôm 13/7 rằng hãng này đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ.

Với quyết định nộp đơn xin phá sản vừa tuyên bố mới đây, Công ty mẹ New York & Company – RTW Retailwinds có thể phải đóng cửa gần như toàn bộ chuỗi cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ, trong đó có cả các cửa hàng trực thuộc công ty con New York & Company.

Hiện New York & Company đã triển khai bán thanh lý sản phẩm tại tất cả các cửa hàng dưới dạng giảm giá từ 40% khi mua trực tuyến, bao gồm cả các mặt hàng thời trang trong bộ sưu tập mới nhất.

Khách hàng "khủng" tại Mỹ nộp đơn phá sản, May Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 166 tỷ đồng? - Ảnh 1.
RTW Retailwinds nộp đơn xin phá sản, loạt cửa hàng thuộc công ty con New York & Company đối diện tương lai bất định

Cũng như nhiều nhãn hàng bán lẻ khác phá sản trong thời gian qua như Neiman Marcus, J.C. Penney và Stage Stores; RTW Retailwinds đã đối diện với khó khăn tài chính trầm trọng do hệ lụy từ khủng hoảng đại dịch Covid-19. Công ty này từng thừa nhận chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 làm giảm đáng kể nguồn thu tài chính trong khi lượng hàng tồn kho chất đống tại kho phân phối suốt hai tháng qua.

Theo nhiều nguồn tin, RTW Retailwinds đã mất khả năng thanh toán chi phí mặt bằng trong tháng 4 và tháng 5, đồng thời không thể chi trả tiền hàng cho các nhà cung cấp.

RTW Retailwinds hiện đang điều hành hơn 385 cửa hàng, store bán lẻ trên khắp 33 tiểu bang của nước Mỹ. Phần lớn các cửa hàng đã bị đóng cửa nhiều tuần liền khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Đa số các cửa hàng New York & Company đã mở cửa trở lại từ vài tuần trước nhưng giờ đây phải đối diện với viễn cảnh không chắc chắn.

Thực tế, tình hình kinh doanh của RTW Retailwinds đã suy yếu kể từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy doanh thu của hãng này giảm hơn 7% xuống còn 827 triệu USD, qua đó ghi nhận lỗ ròng 61,6 triệu USD, giảm mạnh từ mức lãi 4,2 triệu USD hồi năm 2018.

Dịch Covid-19 cùng các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt do đó trở thành đòn giáng quyết định khiến tình hình tài chính của RTW Retailwinds càng thêm khốn đốn, buộc hãng đi tới quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hồ sơ phá sản trình lên Tòa án của RTW Retailwinds báo cáo tổng tài sản 412 triệu USD và khoản nợ 396 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu RTW Retailwinds đã rớt hơn 50%. Giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp bán lẻ thời trang 102 năm tuổi giảm xuống còn 25,8 triệu USD. Hiện Sở giao dịch chứng khoán New York đã tạm đình chỉ các giao dịch cổ phiếu của RTW Retailwinds sau thông tin về nguy cơ phá sản.

Là một đối tác lớn của Công ty CP May Sông Hồng (mã MHS), công ty mẹ New York & Company nộp đơn xin phá sản thì MHS chịu ảnh hưởng nặng nề ra sao?

Đang ăn nên làm ra, May Sông Hồng phải “cài số lùi” vì dịch Covid-19

Khách hàng "khủng" tại Mỹ nộp đơn phá sản, May Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 166 tỷ đồng? - Ảnh 2.
BCTC quý I cho thấy May Sông Hồng có khoản phái thu 166,7 tỷ đồng từ New York & Company

Báo cáo cập nhật mới nhất vào 31/3/2020 của MSH cho thấy, May Sông Hồng đang có khoản phải thu khách hàng 439 tỷ. Trong đó khoản phải thu của New York & Company là 166,7 tỷ. Con số này chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và chiếm 6,7% tổng tài sản của May Sông Hồng và gấp 3,5 lần thời điểm đầu năm.

Được biết, New York & Company là một trong những khách hàng truyền thống lớn nhất của May Sông Hồng, chiếm đến 25% doanh thu mảng FOB (tự chủ từ nguyên liệu đến thành phẩm) của nhà sản xuất này trong năm 2018. Đây cũng là mảng mang về nguồn doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho May Sông Hồng theo cáo bạch năm 2018 của doanh nghiệp.

Chi tiết, năm 2016, doanh thu hàng FOB của May Sông Hồng chiếm tỷ trọng 57,17% trong tổng doanh thu của toàn doanh nghiệp. Tỷ lệ này đã tăng dần lên mức 60,64% (năm 2017) và đạt 70,8% vào năm 2018.

Còn trong năm 2019, doanh thu mảng FOB năm 2019 ước tính đóng góp khoảng 76,4% doanh thu May Sông Hồng; mảng gia công khoảng 16,4%.

Có nguy cơ mất trắng 166,7 tỷ đồng từ đối tác Mỹ?

Là một trong những doanh nghiệp đứng thứ 2 trong số các công ty dệt may trong nước và đứng thứ 6-7 trong số các công ty dệt may bao gồm cả FDI, doanh thu và lợi nhuận của May Sông Hồng không ngừng tăng trưởng trong những 10 năm trở lại đây.

Từ mức 846 tỷ đồng doanh thu năm 2009 đến năm 2019, doanh thu của May Sông Hồng đạt kỷ lục trên 4.400 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần sau 1 thập niên và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 10 lần.

Kết thúc năm 2019, May Sông Hồng báo lãi luỹ kế 449,8 tỷ đổng trong lợi nhuận sau thuế, tương ứng tốc độ tăng trưởng hàng năm 21,6%và tương đương tỷ suất lợi nhuận sau thuế là 10,2%. Các chỉ số sinh lợi khác là ROAA và ROEA lần lượt ở mức 17,62% và 41,47%.

Khách hàng "khủng" tại Mỹ nộp đơn phá sản, May Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 166 tỷ đồng? - Ảnh 3.
Trước dịch Covid-19, May Sông Hồng ăn nên làm ra

Với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, May Sông Hồng xác định năm 2020 này là một năm khó lường đối với doanh nghiệp. Theo đó, May Sông Hồng đặt kế hoạch 3.200 tỷ đồng doanh thu (giảm 27% so với năm 2019), lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 25-35% (năm 2019 tỷ lệ cổ tức là 45% bằng tiền mặt).

Khách hàng "khủng" tại Mỹ nộp đơn phá sản, May Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 166 tỷ đồng? - Ảnh 4.
May Sông Hồng chấp nhận “cài số lùi” về mục tiêu lợi nhuận năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Dù mục tiêu lợi nhuận có phần khiêm tốn hơn so với năm 2019 nhưng ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch May Sông Hồng, cho biết kế hoạch trên được xây dựng khá lạc quan trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như sản lượng, doanh thu hàng FOB giảm, nguồn cung cấp nguyên liệu tại Trung Quốc bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ ngưng trệ.

“Phải đến năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh mới có thể trở lại bình thường”, ông Thịnh đánh giá và cho biết thêm, công ty phải thành lập Ban giám sát thu hồi công nợ để điều chuyển việc lưu chuyển dòng tiền. May Sông Hồng cũng lập quỹ dự trữ khoảng 200 tỷ đồng để chi trả mức tối thiểu cho nhân viên cho các tháng tiếp theo. Đây là việc chưa từng có tiền lệ tại May Sông Hồng.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh trong quý I/2020 phần nào cho thấy những tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Công nhân làm việc tại Công ty May Sông Hồng trước mùa dịch bệnh

Báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, doanh thu của May Sông Hồng giảm 3,4% so với cùng kỳ, xuống 939,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản đạt gần 2.486 tỷ đồng, giảm 3,1% so với số đầu năm, chủ yếu do công ty không còn nắm giữ lượng trái phiếu của VPBank có tổng giá trị hơn 341 tỷ đồng tại khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn với tiền và tương đương tiền.

Đáng chú ý, hàng tồn kho ghi nhận tăng 11%, lên mức 732,3 tỷ đồng, trong đó nguyên vật liệu tăng 17,8%, đạt 265 tỷ đồng và thành phẩm là 398 tỷ đồng, tăng 33,2%.

Về vay nợ tài chính, doanh nghiệp có khoản vay ngắn hạn hơn 495 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu kỳ; ngược lại, vay dài hạn giảm từ 60,8 tỷ đồng xuống 41 tỷ đồng.

Kinh doanh khó khăn cộng với việc đối tác phá sản là bài toán khó đối với May Sông Hồng. Việc Công ty mẹ New York & Company nộp đơn xin phá sản, May Sông Hồng có đòi lại được tiền và đòi được bao nhiêu phần trăm phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp tại nước sở tại.

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại thị trường Mỹ, MSH đã dự báo trước tình hình này sẽ xảy ra và đã trích lập dự phòng một phần từ quý 1 và sẽ tiếp tục trích lập vào các quý tiếp theo. Được biết, lãnh đạo May Sông Hồng đã liên hệ với Công ty New York & Company nhưng chưa có kết quả.

Thành Nhân/CNBC – The Washington Post

Bài mới
Đọc nhiều