Thêm một công ty Trung Quốc dính cáo buộc “cú lừa tỷ USD”
Sáng hôm nay ngày 12/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc tắt sóng 2G và ảnh hưởng của chính sách này đối với người dân.
Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau khi tắt sóng 2G, các nhà mạng phải có trách nhiệm ‘bù’ máy 3G, 4G cho người dân.
Theo đó, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nói, bà đánh giá cao các biện pháp mà cơ quan chức năng cùng nhà mạng đã thực hiện thời gian qua, để “không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, sau khi tắt sóng 2G”.
Tuy nhiên, chất lượng viễn thông hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều khu vực vẫn chưa tiếp cận được dịch vụ viễn thông.
“Bộ trưởng cho biết kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn về vấn đề này”, bà Kiều chất vấn.
Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, khi tắt sóng 2G có hai câu chuyện cần giải quyết. Trong đó, “bà con đang dùng 2G, vậy ai sẽ đưa cho bà con cái máy 3G, 4G, 5G?”.
Theo ông Hùng, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng phải “bù” cho người dân, nghĩa là “mang cái máy công nghệ mới đến đưa cho bà con”, để thay thế cho máy 2G đã tắt sóng.
Bộ trưởng Hùng cho biết thêm, tại nhiều quốc gia, khi nào công nghệ cũ 2G có tỷ lệ người dùng dưới 2% thì họ sẽ quyết định dừng. Các nhà mạng sẽ phải hỗ trợ máy công nghệ mới cho 2% dân số nêu trên.
Ở Việt Nam, công nghệ 2G đến nay đã được 34 năm, có những vị trí lắp đồng thời đến 4 thiết bị (2G, 3G, 4G, 5G). Do công bố sớm và làm truyền thông tốt, đến thời điểm quyết định dừng sóng 2G, Việt Nam chỉ còn 0,2% người dân dùng 2G, tương đương hơn 200.000 máy.
“Chính vì thế, các nhà mạng “rất nhẹ nhàng” trong việc bù máy cho bà con”, ông Hùng nói.
Về lo ngại công nghệ mới có phủ sóng rộng như công nghệ cũ hay không, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G, nên khi tắt sóng 2G sẽ không ảnh hưởng gì. Chưa kể, chính sách phủ sóng đối với các điểm “lõm sóng” đang được tích cực triển khai, nên sẽ không phát sinh vấn đề gì.
Cùng tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) dẫn số liệu đến tháng 9.2024, Việt Nam vẫn còn hơn 700 thôn, bản chưa có sóng di động, trong đó có đến hơn 600 thôn dù đã có điện nhưng vẫn chưa có sóng.
“Trách nhiệm của bộ trưởng trong vấn đề này, đến bao giờ các thôn này mới có sóng để người dân giảm bớt khó khăn?”, bà Ngân đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong số hơn 700 thôn, bản là các điểm “lõm sóng”, có hơn 140 thôn chưa có điện. Ngoài ra, khoảng 100 thôn không thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trách nhiệm phủ sóng thuộc về các nhà mạng. Số còn lại phụ thuộc vào quỹ viễn thông công ích.
Với những trạm không có điện, đồng thời việc triển khai kéo điện cũng không thể triển khai sớm, giải pháp khả thi là sử dụng vệ tinh. Với các trạm không thuộc trách nhiệm của quỹ viễn thông công ích, Bộ TT-TT đã đôn đốc các nhà mạng sớm triển khai phủ sóng, chậm nhất là quý 1/2025.
Riêng với các trạm thuộc trách nhiệm của quỹ viễn thông công ích, Bộ trưởng TT-TT cho hay phải thực hiện theo luật mới, nghị định mới. Tuy nhiên, đến nay nghị định mới vẫn đang trong quá trình xây dựng, việc chậm như vậy có phần trách nhiệm của Bộ TT-TT. “Trong năm nay, nghị định sẽ được ban hành”, ông Hùng khẳng định và cho biết đến tháng 6.2025 sẽ phủ sóng tất cả vùng “lõm sóng”.
Thẳng thắn nhìn nhận việc không có sóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, ngoài những hạn chế cần khắc phục, ông Hùng nói nếu nhìn vào con số thì sẽ thấy thành tựu rất lớn. Việt Nam hiện có đến 99,8% dân số đã được phủ sóng 4G, trong khi con số này ở các nước phát triển là 99,4%.
Bích Ngân