Thêm ca mắc Covid – 19, “đại bàng” có chọn Việt Nam “làm tổ”?
Chuỗi “100 ngày bất bại” của Việt Nam đã bị phá vỡ. Vậy là cả bộ máy nhà nước và người dân lại tiếp tục cuộc chiến mới để tiêu diệt con virus. Nhiều người lo lắng rằng việc dịch bệnh bùng phát sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với chúng ta, không chọn Việt Nam là điểm đến nữa, kinh tế khó mà vực dậy được. Thế nhưng, mọi người hãy bình tĩnh suy xét nhé…
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam mất dấu F0. Trước đó, chúng ta đã gặp những trường hợp tương tự tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra chúng ta còn gặp những trường hợp phức tạp và khó khăn như bệnh nhân số 17 từ châu Âu về; rồi ổ dịch ở Sơn Lôi; bệnh nhân nữ ở Bình Thuận… ngay cả khi ca bệnh ở Đà Nẵng bị phát hiện, cả bộ máy từ địa phương đến trung ương đều kích hoạt cơ chế phòng dịch tức thì: Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu Đà Nẵng giãn cách xã hội từ 13h ngày 26/07; đội phản ứng nhanh của bệnh viện Chợ Rẫy được điều đến Đà Nẵng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh; 8 đoàn công tác được thành lập đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên các tuyến biên giới…
Không ai mong muốn dịch bệnh bùng phát trở lại cả, và những người đang ngày đêm chiến đấu với con virus trong thời gian qua lại càng không. Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa có vắc xin để bài trừ con virus thì không ai có thể chắc chắn khẳng định rằng Việt Nam diệt sạch covid – 19. Đường còn dài, cuộc chiến chống dịch bệnh vẫn còn khốc liệt, tỉnh nào dịch bệnh diễn ra thì vẫn tiếp tục chiến đấu nơi tiền tuyến, cảnh giác tối đa, còn địa phương nào không bị ảnh hưởng thì ở sau làm hậu phương, tiếp tế. Cứ “hai mũi giáp công”, “tay cày, tay súng”, chống dịch trong giai đoạn mới sẽ đi kèm phát triển kinh tế.
Chẳng phải vô cớ mà trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 14 tỷ USD, tuy giảm 17% so với cùng kỳ năm trước nhưng đây lại là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh FDI trên thế giới đang có xu hướng giảm do dịch bệnh. Cũng chẳng phải bỗng dưng mà ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội cho biết “15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn Việt Nam là điểm đến”. Có thể thấy, chính những doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thừa biết là họ có đáng rót tiền ra hay đầu tư vào Việt Nam hay không. Chính những nhà đầu tư họ còn không tư lự, tin tưởng vào khả năng chống dịch, môi trường ổn định của Việt Nam để chi tiền vào, thì chúng ta hãy bình tĩnh và đừng hoang mang.
Ngay như GS.TS. Andreas Stoffers – Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tại Việt Nam còn ghi nhận rằng: “Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch Covid-19 rất nhanh và quyết liệt. Đặc biệt, các chính sách kinh tế của Việt Nam dường như khá phù hợp với tình hình”. Trong tình hình mới khi hội nhập kinh tế quốc tế còn rất nhiều hạn chế, Việt Nam đã phát huy nội lực để khôi phục nền kinh tế là một nỗ lực rất lớn. Từ việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, chủ động săn nhà đầu tư nước ngoài, săn “đại bàng”, kêu gọi họ vào Việt Nam; hay việc Chính phủ liên tục tổ chức cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, vùng kinh tế trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài; rồi ban hành nhiều cơ chế “giảm đau” cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi kinh tế như Nghị quyết 84 “về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch covid – 19”; Nghị quyết 68 “về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025:…
Trên thực tế, thành tích khống chế dịch tốt đã giúp Việt Nam có lợi thế trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới. Bên cạnh đó, việc Quốc hội đã thông qua Hiệp định EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI. Thế nhưng, như lời của ông Takeo Nakajima đánh giá “sự tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản là điểm mấu chốt khiến những tồn tại như sự thiếu nhất quán, không minh bạch, tham nhũng (có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào) trở nên không còn quá đáng ngại”.
Mặc dù người Nhật đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn. Thế nhưng, có thể thấy, vẫn còn đó những bất cập, rào cản gây khó dễ trong việc kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên vụ việc công ty con tại Việt Nam của hãng sản xuất nhựa Tenema đã hối lộ 5,4 tỷ đồng cho cơ quan Hải quan chứ? Lâu nay, Chính phủ luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cơ chế, chính sách ưu đãi, trăm phương khổ tứ suy nghĩ cách thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào đất nước để phát triển. Nhưng thẳng thắn mà nói, khi xuống đến các bộ, ban, ngành, địa phương thì dường như độ nóng đã giảm dần lại. Vẫn còn những quy định, chính sách chưa thuận lợi, kéo theo những thủ tục không cần thiết, một số cán bộ còn gây khó khăn, nhũng nhiễu, bôi trơn vẫn tiếp diễn làm cho nhà đầu tư chùn bước. Đó là câu chuyện của một doanh nghiệp nước ngoài dự định đầu tư nhà xưởng may mặc vào một tỉnh. Quá trình chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy, lãnh đạo tỉnh này cứ muốn doanh nghiệp nước ngoài phải chọn đơn vị chào giá cao nhất. Doanh nghiệp nước ngoài không chịu thì mọi thủ tục, giấy tờ kéo dài suốt 2 năm trời. Rốt cuộc họ quyết định bỏ cuộc, không xây nhà xưởng may mặc ở địa phương này nữa.
Đúng là Việt Nam có nhiều lợi thế nhất định cũng như nhiều ưu đãi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới. Nhưng, miếng bánh đầu tư từ nước ngoài không chỉ dành riêng cho Việt Nam khi các đối thủ trong khu vực cũng đã và đang “dọn tổ” để đón “đại bàng”. Cần hiểu là nhà đầu tư cần chúng ta, mà chính chúng ta cũng cần sự có mặt của họ như là một trong những mũi giáp công quan trọng để phục hồi kinh tế và giải quyết việc làm cho 2,4 triệu lao động đang thất nghiệp và thiếu việc làm.
Vậy nên, không thể một mình Chính phủ nỗ lực “thắp lửa” kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà đội ngũ cán bộ, công chức các cấp cũng phải chung tay thực hiện. Chỉ cần những người trực tiếp thực hiện chính sách minh bạch, rõ ràng, dân chủ, nhà đầu tư không phải đau đầu vì các chi phí không chính thức, ắt hẳn lúc đó, không chỉ có mỗi doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn có những nhà đầu tư từ Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc… cũng lựa chọn Việt Nam là điểm đến kinh doanh.
Thế Khoa