+
Aa
-
like
comment

Thêm bệnh viện mua thiết bị y tế chênh 20 tỉ so với giá nhập

04/09/2020 08:37

Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh viện khác tại Hà Nội cũng đặt thiết bị y tế robot Rosa do Công ty BMS cung cấp đã bị nâng khống lên 39 tỉ, gấp 4 lần giá nhập theo khai báo hải quan.

Những thông tin, tài liệu PV thu thập được còn cho thấy tại Bệnh viện Bạch Mai không chỉ có robot Rosa bị nâng khống giá. Một thiết bị khác là robot Mako sử dụng trong phẫu thuật thay thế khớp gối, khớp háng cũng do Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) cung cấp cho bệnh viện bị “thổi giá” với số tiền rất lớn.

Nâng khống 20 tỉ so với giá nhập

Theo tìm hiểu của PV, cùng thời điểm robot Rosa được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (tháng 3-2017), Công ty BMS cũng cung cấp cho bệnh viện này robot Mako. Đây là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật khớp gối, khớp háng, có xuất xứ từ Mỹ.

Thời điểm đó, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, giám đốc bệnh viện (hiện đã nghỉ hưu), cho biết Mako và Rosa là 2 hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay về lĩnh vực khớp và sọ não sản xuất tại Mỹ, đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện điều trị cho người lớn tại Bạch Mai.

Thêm bệnh viện mua thiết bị y tế giá 39 tỉ, giá hải quan chỉ 10 tỉ - Ảnh 1.
Cắt băng khai trương robot Mako và Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai đầu năm 2017 – Ảnh website Bệnh viện

Hợp đồng liên danh liên kết số 01 ngày 27-2-2017 do ông Nguyễn Quốc Anh đại diện bệnh viện ký với Công ty BMS. Theo hợp đồng, tổng giá trị đầu tư thiết bị robot Mako là 44 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn. Thời hạn liên kết là 7 năm (đến 27-2-2024), sau khi trừ thuế thu nhập và các chi phí chung thì công ty được chia lợi nhuận 50% và bệnh viện hưởng 50%.

Tuy nhiên cũng với những thủ đoạn tinh vi như nâng giá robot Rosa, thiết bị robot Mako cũng bị “thổi giá” trước khi đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Trên thực tế, thiết bị này khi nhập về Việt Nam được khai báo hải quan có giá 23.940.000.000 đồng. Như vậy, số tiền được nâng lên khi đưa robot Mako vào bệnh viện là 20 tỉ. Từ đó, số tiền mà người bệnh phải trả khi sử dụng dịch vụ này cũng bị nâng lên nhiều lần.

Bao nhiêu người bệnh đã bị móc túi?

Sau khi “thổi giá” thiết bị y tế robot Rosa và robot Mako đưa vào sử dụng, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao hơn gấp nhiều lần số tiền đáng lẽ họ phải trả. Riêng với những người bệnh sử dụng dịch vụ robot Rosa, số tiền họ phải chi trả mỗi lần là 23 triệu, gấp 5 lần thực tế.

Theo thông tin mà Bệnh viện Bạch Mai công bố, đến thời điểm tháng 6-2018 đã có hơn 500 bệnh nhân được phẫu thuật bằng robot thành công.

Còn theo đề án liên kết sử dụng robot Rosa, từ năm 2017 – 2018, tổng doanh thu sau khi trừ chi phí là hơn 860 triệu, trong đó bệnh viện hưởng hơn 430 triệu, doanh nghiệp hưởng hơn 430 triệu. Tính từ khi hai thiết bị này được đưa vào sử dụng, có hàng trăm người bệnh đã phải chi trả số tiền lớn gấp nhiều lần thực tế.

Ồ ạt “xã hội hóa”

Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 90-95% thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai hiện nay có nguồn vốn từ xã hội hóa, trong đó có các máy cộng hưởng từ, thiết bị xét nghiệm sinh hóa, thiết bị hỗ trợ phẫu thuật…

Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất nước với khoảng 6.000 bệnh nhân khám/ngày và 4.000 bệnh nhân nội trú/ngày trở lên, nguồn thu từ dịch vụ chẩn đoán, chụp chiếu không hề nhỏ và có rất nhiều nhà đầu tư nhìn chằm chằm vào miếng bánh này.

Trao đổi với PV, lãnh đạo bảo hiểm xã hội một tỉnh lân cận Hà Nội chia sẻ trong xu thế hiện nay, bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính thì xã hội hóa các dịch vụ trong bệnh viện là chuyện phải làm, nhưng không đến mức quá ồ ạt.

“Theo quy định hiện hành thì bệnh viện phải trích nguồn lợi nhuận từ khám chữa bệnh, dịch vụ xã hội hóa và các nguồn thu khác để đầu tư trở lại. Nếu nguồn thu đó không đủ để trang bị cùng lúc nhiều máy móc thì có thể mua dần, nhưng không thể đến mức bệnh viện không có chút vốn nào để đầu tư, 90-95% thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa như ở Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác” – vị lãnh đạo này chia sẻ.

Hiện có rất nhiều bệnh viện đang được thanh tra, kiểm tra vì mua sắm hoặc đầu tư theo diện xã hội hóa thiết bị y tế với giá “trên trời”. Riêng với robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh Rosa, hiện còn một bệnh viện khác ở Hà Nội cũng đang đặt loại thiết bị này và giá cũng tương tự như giá ở Bạch Mai là… 39 tỉ đồng.

Và ở nhiều bệnh viện cũng có dấu hiệu cho thấy có tình trạng nâng giá gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi so với giá mua vào, nhằm nâng mức thu khấu hao thiết bị trong giá thành, dẫn đến người bệnh phải chi trả quá đắt đỏ. Rất cần có một cuộc khảo sát rộng để đưa chúng về giá trị thực.

“Bệnh viện cũng là nạn nhân”?

bms 1a 3(read-only)
Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS có trụ sở tại đường Thái Thịnh, Hà Nội.

Ngày 3-9, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Anh để tìm hiểu rõ hơn về quy trình thẩm định giá trước khi hai thiết bị robot Rosa và robot Mako được Công ty BMS đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên giám đốc bệnh viện xác nhận hai thiết bị này khi được đưa vào bệnh viện có giá 39 tỉ và 44 tỉ đồng.

Ông Quốc Anh cho biết, theo thông tư 15 của Bộ Y tế, giá thiết bị đưa vào kinh doanh liên kết phải căn cứ vào giá mà các đơn vị khác trúng thầu trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, thời điểm robot Rosa được đưa vào bệnh viện, về lĩnh vực sọ não không có đơn vị nào 6 tháng trước đó trúng thầu nên phải căn cứ vào chứng từ thẩm định giá.

“Bệnh viện đã thuê đơn vị thẩm định giá và làm đúng theo quy định”, ông Quốc Anh nói. Công ty BMS đưa ra mức giá và trên giấy tờ robot Rosa đã là 39 tỉ. Sau đó, BMS báo giá với bệnh viện cũng là 39 tỉ, lúc này bệnh viện đã thuê đơn vị thẩm định theo đúng thông tư 15 của Bộ Y tế”, ông Quốc Anh nói.

Về thông tin robot Rosa khi nhập về qua cửa hải quan cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ chỉ có giá hơn 10 tỉ, ông Quốc Anh nói “tôi không biết việc này”. Về thiết bị robot Mako, ông Quốc Anh cũng giải thích đây là thiết bị xã hội hóa, Công ty BMS đầu tư 100% và đưa vào bệnh viện, sau đó căn cứ vào chứng từ thẩm định giá tạo nên giá thành. Từ giá thành 44 tỉ, công ty và bệnh viện xác lập nên giá điều trị bệnh.

* Giá thiết bị đưa vào tăng gấp đôi, gấp ba và giá chữa bệnh cũng tăng theo. Như vậy, có việc thỏa thuận lợi ích nhóm giữa bệnh viện và Công ty BMS không?

– Ông Nguyễn Quốc Anh: Tôi khẳng định tuyệt đối không có bất kỳ lợi ích nhóm hay lợi ích của một cá nhân nào. Kể cả tiền khấu hao máy Công ty BMS cũng thu về chứ bệnh viện không chia chác gì số tiền đó. Tập thể hay cá nhân không ai hưởng một xu nào trong việc này. Bệnh viện hoàn toàn làm theo quy trình, quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này bệnh viện cũng là một nạn nhân, bệnh viện cũng chỉ làm theo đúng quy định. Bệnh viện cũng không được biết giá thiết bị họ nhập về và bị nâng khống, chúng tôi cũng rất buồn, chúng tôi chỉ làm đúng theo quy định của pháp luật.

THÂN HOÀNG – LAN ANH/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều