+
Aa
-
like
comment

Thêm 136 tàu Trung Quốc xuất hiện ở gần đá Ga Ven, Philippines tố là tàu dân quân biển

14/04/2021 11:48

Các bức không ảnh của Philippines và ảnh vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc đang tập trung ở đá Ga Ven và đá Ken Nan thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Manila khẳng định đây là tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá.

Đồ họa và dữ liệu: BẢO DUY – Nguồn: CƠ QUAN VŨ TRỤ CHÂU ÂU

Trong thông cáo công bố ngày 13-4, Lực lượng đặc trách biển “Tây Philippines” – cách Manila gọi Biển Đông – cho biết tàu Trung Quốc vẫn “tràn ngập” khu vực.

Hôm 21-3, cũng lực lượng này đã báo động truyền thông Philippines về sự xuất hiện của 220 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu.

Trong đợt tuần tra mới nhất ngày 11-4, Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đếm được có 136 tàu Trung Quốc ở gần đá Ga Ven, 65 tàu gần đá Ken Nan và chỉ còn 9 tàu tại đá Ba Đầu.

AFP khẳng định các tàu này là tàu dân quân biển, một trong những công cụ thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông.

Hình ảnh được AFP công bố cho thấy tàu Trung Quốc đã tỏa ra, không còn tập trung và kết bè lớn như tại đá Ba Đầu.

Đá Ken Nan và đá Ba Đầu cùng thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa phi pháp.

Hình ảnh do vệ tinh châu Âu và Mỹ chụp ngày 13-4 cho thấy tàu Trung Quốc vẫn hiện diện số lượng đông đảo tại đá Ga Ven như Philippines mô tả.

Theo ước tính của Manila, mỗi tàu Trung Quốc có thể đánh bắt đến 1 tấn hải sản/ngày, nghĩa là mỗi ngày sẽ có hơn 200 tấn cá bị Trung Quốc “hút” khỏi khu vực.

Hành động của tàu Trung Quốc không chỉ đe dọa môi trường biển (khai thác quá mức), mà còn xua đuổi ngư dân các nước khác ra khỏi khu vực.

“Đây là những hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát của tàu Trung Quốc”, AFP cáo buộc.

Thêm 136 tàu Trung Quốc xuất hiện ở gần đá Ga Ven, Philippines tố là tàu dân quân biển - Ảnh 2.
Không ảnh do quân đội Philippines chụp ngày 11-4 tại đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: QUÂN ĐỘI PHILIPPINES

Cũng trong đợt tuần tra ngày 11-4, AFP cho biết 2 tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc vẫn neo đậu tại đá Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa phi pháp.

Trong một động thái leo thang chưa từng có tiền lệ, các tàu này đã rượt theo tàu chở phóng viên Philippines hôm 8-4.

Giới phân tích bày tỏ quan ngại trước sự việc, bởi đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc xua đuổi tàu dân sự nước khác.

Trước thời điểm 8-4, phần lớn các hành động đe dọa hoặc gây rối trên Biển Đông là do tàu hải cảnh hoặc tàu dân quân biển Trung Quốc thực hiện.

Quan hệ Philippines – Trung Quốc đang xuất hiện những sóng gió sau hơn 4 năm khá êm ả dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

Ngày 13-4, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu đại sứ Trung Quốc tại nước này tới để phản đối về các hành động của tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu.

Cơ quan này trước đó cũng gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, và phản bác cách giải thích của Trung Quốc nói rằng các tàu ở đá Ba Đầu chỉ là “tàu cá thông thường neo trú do thời tiết xấu”.

Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày 13-4, Philippines đã quyết định triển khai thêm 1 tàu tuần duyên, 4 tàu hải quân và 2 tàu thuộc cơ quan bảo vệ nghề cá tới khu vực Biển Đông.

Chính quyền Manila tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra bảo vệ ngư dân nước này trước sự xuất hiện của tàu Trung Quốc.

Thêm 136 tàu Trung Quốc xuất hiện ở gần đá Ga Ven, Philippines tố là tàu dân quân biển - Ảnh 3.
Tàu chiến Trung Quốc hoạt động phi pháp ở đá Chữ Thập ngày 11-4. Đá Chữ Thập và đá Vành Khăn cùng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp – Ảnh: QUÂN ĐỘI PHILIPPINES

Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25-3-2021, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hành vi của tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu là sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam và các nguyên tắc, công ước quốc tế.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Về sự xuất hiện của các tàu chấp pháp Việt Nam tại khu vực, bà Thu Hằng cho biết: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.

BẢO DUY

Bài mới
Đọc nhiều