+
Aa
-
like
comment

Thêm 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng phát lộ ở Hải Phòng

19/02/2020 09:39

Người dân vừa phát hiện 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288 dưới đáy ao sau khi bơm nước để thu hoạch cá tại xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Thêm 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng phát lộ ở Hải Phòng
Thêm 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng phát lộ ở Hải Phòng

Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), gia đình ông Đào Văn Đến (trú tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau khi bơm nước để thu hoạch cá đã phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao vào ngày 9/2. Ngay sau đó, gia đình ông Đến đã báo tin tới cơ quan chức năng địa phương.

Thêm 13 cọc gỗ nghi liên quan đến trận Bạch Đằng phát lộ ở Hải Phòng - Ảnh 1.
Vị trí nơi người dân phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao khi bơm nước thu hoạch cá tại xã Lại Xuân (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Đến ngày 12/2, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia đã tổ chức khảo sát khu vực bãi cọc tại ao nhà ông Đào Văn Đến. Theo đó, khu vực phát hiện cọc gỗ nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc.

Thời điểm khảo sát, một số cọc có dấu hiệu bị hủy hoại như: các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá. Việc phát hiện bãi cọc tại ao nhà ông Đền theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu mang ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Ngày 18/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã gửi tờ trình đến UBND TP Hải Phòng đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ mới phát hiện tại xã Lại Xuân (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Trước đó vào ngày 1/10/2019, người dân địa phương phát hiện hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Tiếp đó, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc gỗ cổ có niên đại khoảng 1270 – 1430 tại cánh đồng Cao Quỳ.

Bước đầu Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông – Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông – Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông – Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông – Nguyên với quốc gia Đại Việt.

Hoàng Dương, Phương Linh/TPO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều