Thêm 1 con cá Koi chết và cả đàn cá bơi chậm sau 3 ngày thả xuống nước
Sau 3 ngày được thả xuống, đàn cá Koi bơi khá chậm chạp và thường tập trung tại một phía góc khu bể chứa nước sông Tô Lịch (Hà Nội) đã được xử lý bằng công nghệ Nano của Nhật Bản, trong đó 2 con đã chết.
Trưa 19-9, 2 con cá Koi Nhật Bản được phát hiện đã chết sau 3 ngày thả xuống bể xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo ghi nhận, sau 3 ngày được thả xuống nước sông Tô Lịch tại khu vực đã xử lý nước, đàn cá Koi bơi khá chậm chạp và thường tập trung tại một phía góc bể. Công ty JVE đã lắp thêm mái che nắng và máy sục khí ô-xy để giúp cá sống khỏe hơn.
Trước đó vào trưa 18-9, một con cá Koi Nhật Bản cũng đã chết sau 2 ngày thả xuống bể xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản.
Trước đó, như đã đưa tin, vào sáng ngày 16-9, công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) đã thả cá Koi (cá chép Nhật) tại đoạn thí điểm sông Tô Lịch và 1 góc hồ Tây. Đây cũng là thời gian lấy mẫu đánh giá nước sau 2 tháng JVE xin lùi đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm nước. Tại nút giao Hoàng Quốc Việt và đường Bưởi, JVE tổ chức sự kiện thả cá Koi và hoạt động lấy mẫu đánh giá quá trình triển khai thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor, Nhật Bản.
Chú Hoàn, một người dân sống gần khu vực này, cho biết: “Vào buổi sáng khi đi tập thể dục qua đây có thấy một con cá Koi ngửa bụng, trưa quay lại thêm một con nữa. Có khả năng do thời tiết mưa nắng thất thường và thiếu oxy trong khu vực sống của cá nên cá chết”.
Đến 16 giờ cùng ngày 19-9, theo ghi nhận của phóng viên, đã có 2 con cá chép chết.
Trên thị trường hiện nay, cá Koi Nhật Bản có giá rất đắt từ vài triệu đến hàng chục triệu/con. Cá Koi là một loại cá “khó tính”, môi trường nước phải đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm không có vi khuẫn nhiễm bệnh thì cá Koi mới có thể sống được.
Một số hình ảnh:
(Theo Người Lao Động)