+
Aa
-
like
comment

Lời thề Việt Á…

Bảo Vân - 06/02/2023 15:07

Đại án Việt Á, vụ án tham nhũng, tiêu cực có tổ chức với quy mô cực lớn từ Trung ương đến cơ sở, xảy ra giữa đại dịch COVID-19 đã lộ diện nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Vụ án gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, Nhà nước.

Lúc này nhân dân không chỉ chờ đợi “chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”, quan trọng nhất là phải làm sao để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả và kịp thời tình trạng cán bộ, đảng viên lạm quyền, lợi dụng quyền lực. Quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ để không ai, không hành vi sai phạm nào có thể lọt qua. Những khuyết tật của quyền lực phải được cắt bỏ như loại bỏ những ung nhọt nhức nhối để cơ thể được khỏe mạnh.

Sau khi Việt Á bị khởi tố, dư luận sửng sốt, không muốn tin ở sự thật được “bật mí” từ một nghi can, đó lời khai của Phan Tôn Noel Thảo – Trợ lý tài chính Công ty Việt Á. Theo bị can Noel Thảo, “Công ty Việt Á đã chi tiền cho các đơn vị, như CDC Nghệ An, Hải Dương, nhiều đơn vị y tế, bệnh viện… Các đơn hàng mua bán kit test COVID, thiết bị y tế với số tiền rất nhiều, tùy vào lượng hàng, ít thì khoảng 500 triệu, nhiều thì cả trăm tỷ, trên phạm vi toàn quốc”.

Chuyện này khiến dư luận nhớ tới câu nói của người xưa: Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

Nhưng, nén bạc ngày nay đã thành chuyện cổ tích, muốn “đâm toạc tờ giấy” thời @, phải cả núi tiền cơ. Núi tiền ấy là 800 tỉ đồng chi hoa hồng cho các đối tác mà Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đã khai trước cơ quan điều tra.

Chuyện tưởng đã hai năm rõ mười như thế, nhưng không ít kẻ trong cuộc vẫn cố tình lươn lẹo nhằm che đậy hành vi nhận hối lộ, tham nhũng của mình.

Người đưa ra lời thề “chưa bao giờ nhận một đồng nào từ Việt Á” sớm nhất là giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định – đơn vị có tên trong lời khai nói trên của Phan Tôn Noel Thảo.

Có lẽ ông Giám đốc CDC Nghệ An khi đó cũng không ngờ Noel Thảo đã huỵch toẹt trước cơ quan công an, cho nên khi báo chí hỏi đến ông vẫn quả quyết, rằng: “Tôi khẳng định chưa bao giờ nhận khoản tiền nào từ Việt Á cả. Phía CDC đang rà soát lại nội bộ xem có chỗ nào có vấn đề không để điều tra”.

Và dư luận không phải chờ đợi lâu để ông Định “rà soát lại nội bộ” để minh chứng cho sự “trong sạch” của mình. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi bị cơ quan công an triệu tập, ông giám đốc CDC tỉnh Nghệ An đã phải tự thú “trước bình minh”, để rồi vài ngày sau, ông cùng kế toán trưởng và nhiều thuộc hạ khác bị khởi tố.

Cuối tháng 12/2021, trước khi bị bắt giam, giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột với báo chí: “Tôi không nhận một đồng nào từ Việt Á hay Phan Anh (đơn vị được CDC Bắc Giang lựa chọn cung cấp trọn gói, trong đó có 20.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất)”.

Còn ông Hoàng Văn Đức, giám đốc CDC Thừa Thiên – Huế đã có những lời giãi bày tâm huyết trước ống kính phóng viên: “Riêng tôi thì còn phải tốn tiền hơn nữa ấy vì nhiều khi nhân viên họ hay xin thuốc tôi hút (cười). Đời tôi biết những thứ đó nhạy cảm, xác định ngay từ khi dịch bệnh xảy ra rồi nên mình chẳng bao giờ nghĩ đến “hoa hồng”. Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”.

Trả lời báo chí thời điểm cuối năm 2021, ông Đỗ Đức Lưu khẳng định CDC Nam Định đã tuân thủ đúng quy trình, thủ tục pháp luật liên quan hoạt động đấu thầu, mua sắm tập trung và bản thân ông này “không nhận bất cứ đồng nào” từ Công ty Việt Á. Tuy nhiên, cơ quan Công an đã xác định, Việt Á đã chi hoa hồng hơn 3 tỉ đồng cho ông Lưu và các đồng phạm.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Lành bộc bạch: trưa 3-12-2021, người của Công ty Việt Á xưng tên Nguyên mang 450 triệu đồng mang túi quà đến nhà, nói là bồi dưỡng cho anh em phòng chống dịch.

Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an.

Ông Lành mở túi quà, thấy rất nhiều tiền, nên chiều cùng ngày, ông đem túi quà đến cơ quan, mời các phòng chức năng và trình bày lại sự việc Công ty Việt Á gửi tiền rồi lập biên bản, niêm phong và giao Phòng Tổ chức giữ; giao Trưởng Phòng Kế hoạch làm báo cáo trình UBND tỉnh.

Ông Lành cũng khẳng định: “Ngoài lần ông Nguyên đến nhà, từ đó đến giờ bản thân tôi không nhận bất cứ thứ gì của công ty Việt Á hết”.

Vị giám đốc CDC bị bắt khẩn cấp gần đây nhất là ông Trương Quang Việt (SN 1973, Giám đốc CDC Hà Nội) cũng từng khẳng định ‘không mua kit xét nghiệm Việt Á’.

Vậy mà, khi lời thề chưa kịp để gió bay thì các vị giám đốc CDC tôn kính ở Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Hậu Giang, Hà Nội,… đã tiếp bước nhau, kẻ trước người sau vào lò.

Nhưng đó chỉ là “lời thề” trước nguy cơ bị lộ.

Còn một lời thề khác – lời thề danh dự Hippocrates của nghề y mà các vị từng thuộc nằm lòng, trong đó có đoạn: “Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ”.

Trong 12 điều Y đức mà Bộ Y tế quy định, điều thứ nhất có đoạn: “Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc”.

Vậy mà, các vị đã đi ngược lại những lời thề thiêng liêng đó chỉ vì mưu lợi cá nhân, tìm mọi cách móc túi người bệnh là đồng bào mình.

Điển hình mới đây nhất là việc giám đốc CDC Đà Nẵng “phù phép” làm giả sổ sách, chứng từ để nâng khống, chuyển hóa hàng chục ngàn mẫu gộp xét nghiệm COVID-19 thành mẫu đơn, trục lợi hàng tỷ đồng.

Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Công Tạc, đều liên quan đến vụ Việt Á.

Có thể nói đây là minh chứng điển hình cho sự gian dối, táng tận lương tâm, tột cùng tha hóa của những kẻ có bằng cấp, học vị cao. Thế mới biết, tính trung thực, lòng tự trọng, sự tử tế ở họ chỉ là chót lưỡi đầu môi.

Lý giải điều này, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng: “Lợi nhuận và đồng tiền khiến con người ta dễ u mê, nên không còn biết đến tự trọng, liêm sỉ vì thế nên mới suy thoái. Thực tế cũng đã cho thấy, ngày càng nhiều các vụ việc cán bộ vì thiếu tự trọng mà đánh mất mình, vi phạm pháp luật, thậm chí vụ sau còn lớn hơn vụ trước”.

Dường như những kẻ bằng cấp, học vị đầy mình cùng với chức trọng quyền cao ấy cho rằng nhận “hoa hồng” hay “lại quả” như trong trường hợp vụ Việt Á là điều tất nhiên, tất yếu?

Họ đâu nghĩ được hoặc không muốn nghĩ, những đồng tiền “lại quả” ấy từ Việt Á hay từ ai thì cũng đều là tiền nhà nước – thuế của dân hay móc trực tiếp từ túi dân – người bệnh mà ra.

“Hoa hồng” hay “lại quả” dù dưới hình thức nào đều là hối lộ, tham nhũng và cần phải bị trừng phạt đích đáng theo quy định của luật pháp.

Ôi, Việt Á – ngươi là ai mà khiến bao lời thề vừa mới thốt ra đã phải trả giá?

Bảo Vân

Bài mới
Đọc nhiều