Thế và lực của Việt Nam tiếp tục được khẳng định
Hội nghị cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN đã đạt nhiều thành công. Hiện nay, đối với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung thì Hoa Kỳ đang là đối tác thương mại đứng thứ hai sau Trung Quốc. Khi tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Katherine Tai, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN.
Tháng 2/2022, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ASEAN là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do khu vực này có thể kết nối với ba thành viên còn lại của Bộ tứ kim cương là Ấn Độ, Nhật, Úc. ASEAN vốn dĩ đã là mắt xích quan trọng trong “chiến lược 3 chuỗi đảo” được phát triển từ những năm 1951 của Mỹ nhằm bao vây Nga và Trung Quốc bằng đường biển, có địa lý nằm giữa trung tâm hai đại dương lớn. Với ASEAN, Mỹ có vị trí quan trọng tương ứng khi là một đối trọng với Trung Quốc và được kỳ vọng sẽ hậu thuẫn nhiều hơn cho khu vực. Cần nhìn nhận rằng sự hợp tác quốc tế hiện nay không chỉ xoay quanh những vấn đề chính trị và thương mại mà còn có các thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch, biến đổi khí hậu và an ninh mạng – những thách thức mà không quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết.
Rõ ràng, trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã được cải thiện. Năm 2007, Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và thông qua bình thường hóa vĩnh viễn quan hệ thương mại và sau đó là hàng loạt các chuyến thăm của nhiều lãnh đạo cấp cao tới Việt Nam cũng khẳng định một thực tế là Mỹ muốn đa dạng hóa đầu tư và thúc đẩy thương mại với các quốc gia như Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển mạnh và nhiều tiềm năng tăng trưởng. Chúng ta đang khẳng định tiềm năng về con người, về nền tảng kinh tế…
Việt Nam một quốc gia có đủ lực, thu hút đầu tư quốc tế
Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNTAD) đã đưa Việt Nam vào 1 trong số 20 nền kinh tế thu hút đầu tư tốt nhất. Điều này có thể thấy được phần nào qua những sự kiện kinh tế trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN như việc tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã báo cáo sơ bộ Dự án trang trại sản xuất điện mặt trời công suất 50 MW, nằm trong khuôn khổ đầu tư xây dựng một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn này tại Khu công nghiệp VSIP – Bình Dương. Rõ ràng, không chỉ Mỹ nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam, mà cả thế giới bất cứ quốc gia nào cũng có thể nhìn thấy điều đó.
Phát huy những tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, về nguồn lao động, Việt Nam đang tập trung cho đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Từ tăng trưởng kinh tế âm quý 3/2021, quý 1/2022 Việt Nam đã tăng trưởng dương trên 5%. Liên quan tới phát triển thị trường vốn có khó khăn nhưng vẫn phát triển tích cực. Đồng thời, Việt Nam đang xử lý, làm lành manh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính. Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong Mỹ chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản một cách lành mạnh, an toàn, minh bạch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Hai nền kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ có tiềm năng, thế mạnh để bổ sung cho nhau, không triệt tiêu nhau và chắc chắn trong tương lai sẽ còn phát triển bền bỉ và mạnh mẽ.
Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền Việt Nam”. Đó là một lời khẳng định vừa mềm mỏng, vừa khéo léo, vừa đủ cương quyết và thể hiện sự độc lập của một quốc gia đã và đang dần dần khẳng định được THẾ và LỰC của mình trên trường quốc tế.
Phù Vân