Thế trận Mỹ – Ấn kiềm chế Trung Quốc
Hợp đồng quốc phòng trị giá 3 tỉ USD mà Ấn Độ vừa thỏa thuận mua từ Mỹ sẽ tạo ra bước ngoặt mới nhằm kiềm chế Trung Quốc cả trên đất liền lẫn trên biển.
Sau chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 24 – 25.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng “Ấn Độ vĩ đại”. Thực tế, chuyến thăm đã kết thúc với những thỏa thuận mà hai bên đạt được sẽ tạo ra các trụ cột quan trọng.
Nổi bật trong các thỏa thuận là việc Mỹ sẽ cung cấp gói vũ khí và những khí tài đi kèm với tổng giá trị lên đến 3 tỉ USD. Tâm điểm của gói vũ khí này chính là việc Washington sẽ bán các loại trực thăng chiến đấu Apache và Sikorsky MH-60R cho New Delhi.
Trấn thủ trên đất liền
Với loại trực thăng chiến đấu đa nhiệm Apache, Ấn Độ có thể bổ sung năng lực tác chiến cho lục quân nước này ở khu vực biên giới với Trung Quốc mà hai bên vốn thường xuyên “cơm không lành – canh không ngọt”, thậm chí còn đụng độ. Khu vực vừa nói có đặc điểm địa hình khá cao, nên các dòng trực thăng chiến đấu mà Ấn Độ đã mua từ Nga hay Liên Xô cũ sẽ không hoạt động hiệu quả như Apache.
Khi Ấn Độ tăng cường thực lực quân sự ở vùng biên giới trên bộ, Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ phải tốn thêm tiền của để chi viện cho khu vực này, nhất là khi hai bên vẫn tranh chấp căng thẳng tại đây. Chính vì thế, việc New Delhi bổ sung thêm máy bay trực thăng chiến đấu Apache còn khiến cho Bắc Kinh sẽ phải chia sẻ ngân sách quốc phòng từ các khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông cho tranh chấp trên bộ.
Kiềm chế vùng đại dương
Bên cạnh đó, Trung Quốc gần đây đã triển khai tàu ngầm hạt nhân tiến về khu vực Ấn Độ Dương. Đây là động thái có tính răn đe khiến New Delhi cần có biện pháp phòng ngừa.
Apache và Sikorsky MH-60R
Apache có tốc độ tối đa khoảng 290 km/giờ và tầm bay lên đến 470 km.
Ngoài khẩu pháo 30 mm cùng các thiết bị tác chiến điện tử hiện đại, Apache còn có thể mang theo nhiều loại tên lửa chuyên dụng để tấn công mục tiêu trên mặt đất, bắn phá xe tăng và cả tên lửa đối không. Nhờ đó, đây là loại trực thăng chiến đấu có năng lực tác chiến toàn diện trên đất liền.
Còn Sikorsky MH-60R lại là phiên bản tập trung nhiều khả năng săn tàu ngầm và tác chiến đa nhiệm trên biển. Dòng máy bay này được tích hợp nhiều loại tên lửa chống tàu chiến cũng như pháo cận chiến.
Trong bối cảnh như vậy, trực thăng chiến đấu đa nhiệm Sikorsky MH-60R, nằm trong gói vũ khí mà Mỹ cung cấp, sẽ giúp Ấn Độ tăng cường khả năng kiểm soát vùng biển Ấn Độ Dương. Cụ thể hơn, Sikorsky MH-60R là phiên bản tối tân, tích hợp nhiều công nghệ được nâng cấp nhằm đáp ứng khả năng chống tàu ngầm và tác chiến trên biển. Chính vì thế, việc cung cấp máy bay trực thăng tác chiến đa nhiệm Sikorsky MH-60R vừa giúp tăng cường thực lực đối hải cho New Delhi, đồng thời tạo điều kiện để Washington chia sẻ việc kiểm soát vùng biển Ấn Độ Dương trước các hoạt động đáng lo ngại từ Bắc Kinh.
Các thỏa thuận trên được đưa ra giữa lúc Mỹ đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific) vốn là nền tảng hình thành nên tứ giác an ninh Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc. Đây cũng chính là một phần quan trọng trong chiến lược tăng cường an ninh mà Ấn Độ đang theo đuổi, dù New Delhi không nhấn mạnh trong nội dung ở chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Trump.
Dồn sức ứng phó Bắc Kinh
Afghanistan cũng là một phần quan trọng trong thỏa thuận mà Mỹ và Ấn Độ đạt được trong chuyến công du vừa qua của Tổng thống Donald Trump. Hiện tại, Washington đã đạt được một số thỏa thuận với Taliban và sắp rút khỏi Afghanistan. Thực tế, để dồn sức ứng phó Trung Quốc, Mỹ cần hạn chế liên quan các vấn đề ở châu Âu, Trung Đông cũng như Trung Á. Qua đó, Washington tăng cường lực lượng ở Indo – Pacific.
Tuy nhiên, nếu Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan thì chính phủ hiện thời ở Afghanistan nhiều khả năng sẽ sụp đổ, như thế đồng nghĩa với việc Washington thua cuộc tại đây, sẽ ảnh hưởng xấu đến Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Để giải quyết khó khăn đó, Mỹ yêu cầu Ấn Độ cùng tham gia, hỗ trợ chính quyền hiện tại ở Afghanistan.
Động thái này sẽ giúp thắt chặt quan hệ Mỹ – Ấn trong nhiều vấn đề hơn, chứ không chỉ cùng hợp tác ứng phó Trung Quốc.
Việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ cũng giúp Tổng thống Trump tranh thủ nhiều lá phiếu của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử sắp tới. Đây cũng là yếu tố quan trọng bởi theo các khảo sát từ nhiều năm qua, phần lớn nhóm cử tri này đều ủng hộ đảng Dân chủ.
Từ những thực tế trên, việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ giúp Tổng thống Trump vừa tạo ra thế trận mới tăng cường kiềm chế Trung Quốc, vừa củng cố được sự ủng hộ nội bộ nước Mỹ.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)