+
Aa
-
like
comment

The Straits Times: Phải chăng sẽ có thêm kỳ tích sau Đại hội XIII?

Bảo Trâm - 31/01/2021 09:09

Trang The Straits Times của Singapore đã có bài viết với tiêu đề “A year of opportunity for Vietnam” (Năm tràn đầy cơ hội dành cho Việt Nam), đã đưa ra nhận định những thách thức và khó khăn hiện tại sẽ là bàn đẩy để Việt Nam tạo thêm nhiều “kỳ tích” trong tương lai. Đặc biệt là sau Đại hội XIII, bởi đây sẽ là lúc Việt Nam khẳng định phương hướng mới cho nhiệm kỳ tới.

Theo The Straits Times, Việt Nam đang tổ chức Đại hội lần thứ XIII để lựa chọn ra những nhà lãnh đạo mới và vạch ra tiến trình phát triển tiếp theo của đất nước với những điều kiện hết sức thuận lợi từ những thành công gần đây.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội ngày 26/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ca ngợi hai thành tựu lớn của đất nước là phát triển kinh tế và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Và Traits Times khẳng định: “Ngôi sao đang lên” của khu vực Đông Nam Á có quyền tự hào về điều này.

Bài viết nhận định năm 2021 có thể là thời điểm đột phá của Việt Nam sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19 sớm hơn các nền kinh tế khác trong khu vực. Việt Nam có thể tranh thủ trước các nước khác, đẩy nhanh tốc độ khi các nhà máy trong khu vực vẫn đóng cửa, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ, y tế và các sản phẩm khác gia tăng.

Bài viết cũng đánh giá Đại hội Đảng lần này là sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, ban lãnh đạo mới được lựa chọn và tiến trình phát triển mới của đất nước được vạch ra trong kỳ đại hội Đảng lần này sẽ quyết định việc Việt Nam sẽ thực hiện tốt như thế nào và có thể đóng vai trò gì trong khu vực.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Đoàn đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương dự Đại hội XIII.

Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam cần lưu tâm những thách thức trong nước và những bất trắc bên ngoài có thể cản trở tham vọng của Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và một nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2030.

The Straits Times dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận vẫn còn những tồn tại, trong đó có thực tế nền kinh tế Việt Nam chưa có sức bật cao. Mặc dù Việt Nam đã tư nhân hóa nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước, nhưng các công ty này chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế, hiệu quả thấp và chiếm nhiều khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn bị chi phối bởi hoạt động lắp ráp thấp cấp thay vì sản xuất cao cấp. Hệ thống giáo dục đại học cũng chưa thể đào tạo đủ lao động có tay nghề cao.

Thêm vào đó là tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể và các chỉ số xã hội đạt được tiến bộ. Những thành tựu kinh tế có được là nhờ Việt Nam đã tham gia vững chắc vào thị trường thế giới qua chính sách thương mại tự do và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Vẫn còn nhiều cơ hội mà Việt Nam nên tận dụng.

Ngoài ra, trên trường quốc tế, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể: Vị thế của Việt Nam trong ASEAN càng được nâng cao sau khi Việt Nam đảm nhận thành công vai trò chủ tịch năm 2020; Việt Nam đã trở thành đối tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực của một số quốc gia châu Á và phương Tây (Mỹ, EU). Đức cũng rất mong muốn làm cho quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất.

Bảo Trâm (Lược dịch theo The Straits Times)

Bài mới
Đọc nhiều