The Straits Times: Điều gì sẽ xảy ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII Việt Nam?
Trang The Straits Times vừa qua đã có bài viết phân tích nội dung và đường lối kinh tế, chính trị sẽ diễn tiến trong Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tại Việt Nam, từ 25/1 sẽ khởi động một cuộc họp quan trọng của Đảng nhằm bổ nhiệm bộ tứ lãnh đạo tiếp theo của đất nước và định hướng chính sách cho 5 năm tới, tờ Straits Times đưa tin.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 tại Hà Nội sẽ kéo dài đến ngày 2 tháng 2, với gần 1.600 đại biểu trên khắp Việt Nam đã đổ về Thủ đô Hà Nội để tập hợp và bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới.
Các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch Covid-19 sẽ được áp dụng. Trước đó, nhờ áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, kiểm tra mục tiêu và truy tìm nguồn gốc của Covid-19 mà Việt Nam đã trở nên nổi tiếng là quốc gia gần như duy nhất trên thế giới kiểm soát được đại dịch, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác.
Theo Straits Times, đội ngũ lãnh đạo sắp tới của đất nước sẽ tìm cách tận dụng lợi thế kinh tế đó, cũng như đối phó với những thách thức từ Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác ngoại giao nhiều mặt về chính trị và kinh tế, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong tương lai.
Bên cạnh chính sách, cho đến nay, mục quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Đảng là “các vấn đề nhân sự” – một cách nói hay dùng để bầu Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới.
Đầu tiên các đại biểu sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 200 ủy viên. Sau đó sẽ bỏ phiếu bầu 14-19 ủy viên Bộ Chính trị, những người này sẽ lần lượt đề cử bốn “trụ cột” lãnh đạo chính thức của Việt Nam: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Trung ương biểu quyết thông qua bộ tứ lãnh đạo. Bộ Chính trị mới sẽ tiếp tục đề cử Nội các mới, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua trong những tháng tiếp theo, theo Straits Times.
The Straits Times cũng cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ đưa ra đánh giá về những thành tựu của Việt Nam 35 năm sau khi thực hiện “Đổi mới”, phong trào do chính phủ lãnh đạo năm 1986 đã mang lại những cải cách rất cần thiết về kinh tế và chính trị và đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước.
Đại hội cũng sẽ tiến hành đánh giá xem đội ngũ lãnh đạo sắp mãn nhiệm đã hoạt động như thế nào, đồng thời đề ra các chính sách và hướng dẫn mới trong nước và quốc tế trong 5 đến 10 năm tới.
Bảo Trâm (Lược dịch theo The Straits Times)