+
Aa
-
like
comment

Hiểu đúng “lý do chính đáng” để người dân TP.HCM ra đường từ ngày 1/10

Đặng Trường - 01/10/2021 22:25

Mặc dù, TP.HCM không kiểm soát lưu thông bằng các chốt cố định nhưng các đội tuần tra vẫn tổ chức các chốt kiểm soát lưu động, kiểm tra đột xuất ngẫu nhiên trên đường. “Nếu khi kiểm tra, người nào ra đường không có lý do chính đáng thì vẫn bị xử lý theo quy định”, đó là chia sẻ đáng chú ý của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trong chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” vào tối ngày 30/9.

Quốc lộ 1 bị ùn ứ khi người dân ra đường.

Có lẽ, không ít người sẽ đặt dấu chấm hỏi ở cụm từ “lý do chính đáng”, như thế nào gọi là lý do chính đáng để ra đường đây? Cho đến nay, vẫn chưa có quy định nói rõ lý do nào là chính đáng, lý do nào không phải. Càng không có quy định nào đủ để bao hàm cái lý do chính đáng của từng cá nhân. Đi mua lương thực bảo đảm cuộc sống là chính đáng, đi mua cái món ngon mà lâu rồi mình không được ăn cũng chính đáng, đi làm nail, cắt tóc cũng là chính đáng, đi tập gym là một nhu cầu chính đáng, đi mua quần áo để chuẩn bị đi làm lại là chính đáng, thậm chí buồn buồn mang xe chạy ra đường đi dạo sau nhiều ngày ở nhà tù túng cũng là “chính đáng”,…

Thế nhưng, đặt cái chính đáng của mỗi người vào trong tình trạng dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp thì có gì đó không đúng lắm. Theo ghi nhận gần nhất vào ngày 30/9, số lượng ca mắc Covid-19 tại TPHCM vẫn rất cao (4.372 ca) và có 106 bệnh nhân tử vong. Chúng ta phải nhìn vào con số này để xem xét lại “lý do chính đáng” của mình ra đường có cần thiết hay không? Thiết nghĩ, “chính đáng” ở đây không phải với cơ quan chức năng mà phải hiểu nó có chính đáng với bản thân và gia đình của mình hay không. Nhu cầu cuộc sống thì ai cũng có nhưng có thật sự cần thiết phải ra đường, đến nơi công cộng để đánh đổi rủi ro tính mạng và sức khỏe của mình và người thân hay không?

Lực lượng chức năng tháo gỡ các chốt.

Ừ thì, hầu như người dân thành phố đều đã được tiêm một mũi vaccine, có người hoàn tất cả hai mũi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sẽ không mắc bệnh hay không trở thành nguồn cơn lây lan dịch bệnh. Chưa kể, hiện nay rủi ro mắc bệnh vẫn tồn tại ở một bộ phận người trẻ dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền vẫn chưa được tiêm vaccine. Thế nên, suy cho cùng, cái chính đáng ở đây chính là ý thức tự bảo vệ bản thân của mỗi người. Dù chính quyền có áp dụng bao nhiêu biện pháp chống dịch mà người dân không có ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng thì tất cả nỗ lực cũng đổ sông đổ biển mà thôi. Sẽ không có một biện pháp chống dịch nào hiệu quả nếu mỗi chúng ta quá dễ dãi với chính mình.

Vừa qua chúng ta cũng đã biết nhiều trường hợp qua đời vì Covid-19, để lại rất nhiều nỗi niềm xót thương. Ngẫm lại một chút để tự nhủ với lòng mình, đừng bao giờ chủ quan với sức khoẻ, tính mạng của mình. Dẫu biết rằng sống chung với dịch có nghĩa là người dân được tự do đi lại và thực hiện những điều mình muốn nhưng TP.HCM như một người ốm, còn chưa khỏe hẳn. Vẫn còn đó những rủi ro, hệ thống y tế cũng gần như kiệt sức với tổng số ca bệnh trong thời gian qua và rất cần thời gian hồi phục. Vì vậy, hy vọng mỗi người dân sẽ thu hẹp lại những hành động “chính đáng của mình một chút, chờ đợi thành phố khỏe hẳn.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều