The Hill: “Thi gan” với Trung Quốc, ông Trump vẫn nắm chắc chiến thắng dù Mỹ vừa “chớp mắt” trước
Phần lớn những mục tiêu của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã hoàn thành, cây viết của The Hill nhận định.
Những cuộc hội đàm gần đây giữa các nhà đàm phán thương mại cấp cao của hai nước Mỹ-Trung Quốc đã khiến Nhà Trắng bất ngờ ra quyết định lùi thời gian áp thuế một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 1/9 tới ngày 15/12, đồng thời loại bỏ một số mặt hàng khỏi danh sách chịu thuế.
Giải thích về quyết định này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không muốn người tiêu dùng bị ảnh hưởng vì thuế quan trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới.
Một số ý kiến cho rằng ông Trump đã “chớp mắt trước” Trung Quốc vì những dấu hiệu không mấy khả quan trên thị trường chứng khoán, và những lời cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ có nguy cơ ảnh hưởng tới triển vọng tái tranh cử của ông này.
Có thể họ nói đúng. Nhưng một sự thực khác cũng cần được ghi nhận, là phần lớn những mục tiêu trong cuộc chiến thương mại của ông Trump đã hoàn thành, và điều đó có thể được coi là chiến thắng, tác giả Liz Peek bình luận trong một bài viết được đăng tải trên trang The Hill.
Sau đây là phần lược dịch nội dung bài bình luận của cây viết Liz Peek:
Chiến thắng của Mỹ
Mặc dù giới tinh hoa vẫn tiếp tục phàn nàn về lập trường diều hâu của ông Trump trước những hành động gian lận của Trung Quốc, nhưng cuộc đối đầu giữa hai nước trong cuộc thương chiến đã làm lộ ra nhiều điểm yếu khác của Bắc Kinh.
Kết quả là phong trào biểu tình nổ ra ở Hong Kong như chúng ta đã và đang chứng kiến trong vài tháng qua, chuỗi cung ứng toàn cầu trước đây phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nay đã được sắp xếp lại, và đặc biệt là truyền thông trở nên xông xáo hơn trong việc nói ra sự thật.
Đó là những thành tựu nổi bật.
Trước tiên là sự thay đổi tích cực của truyền thông: Một bài báo gần đây được đăng tải trên tờ Financial Times đã đưa tin về một nhóm tin tặc Trung Quốc “tiến hành hoạt động gián điệp chính trị cho Bắc Kinh, đồng thời tấn công các doanh nghiệp vì lợi ích tài chính cá nhân”.
Một nhóm an ninh mạng của Mỹ có tên Fireeye, theo tờ Financial Times, đã xác định được một nhóm tin tặc được tài trợ tại Trung Quốc chuyên theo dõi nhiều ngành công nghiệp và cá nhân kể từ năm 2014, theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, đồng thời nhóm này cũng thực hiện các cuộc xâm nhập mạng vì lợi nhuận mà chính quyền được cho là “khuất mắt khôn coi”.
Nhóm này được gọi là Advanced Persistent Threat 41, hoạt động tại 14 quốc gia, trong đó có Mỹ, với mục tiêu là các ngành công nghiệp quan trọng đối với thành công của Bắc Kinh trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, bao gồm các lĩnh vực như viễn thông, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp chất bán dẫn.
Tất nhiên việc Nhà Trắng phản kháng hành động cưỡng ép chuyển giao công nghệ, gián điệp diện rộng và các hoạt động trao đổi thương mại bất công của Trung Quốc không chỉ thúc đẩy truyền thông đưa tin mạnh mẽ hơn, mà còn tác động tới tâm lý của người Mỹ. Khi chính phủ Mỹ nỗ lực bảo vệ những lợi ích của mình trước Trung Quốc, thì người dân cũng sẽ hưởng ứng.
Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ cũng đứng trước sức ép trở nên trung thực hơn, sau nhiều thập kỷ bênh vực Bắc Kinh vì sợ các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ gây khó dễ trong chuyện làm ăn của họ, hoặc thậm chí là loại họ khỏi thị trường khổng lồ phát triển nhanh nhất thế giới và có nguồn lao động giá rẻ rất lớn này.
Không chỉ các doanh nghiệp Mỹ, mà cả thế giới cũng nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi xấu của Bắc Kinh, vì họ tin rằng quy mô khổng lồ của Trung Quốc và sự chuyển đổi nhanh chóng của họ sang một xã hội công nghiệp, mở cửa, sẽ đem lại lợi ích to lớn cho mọi quốc gia.
Đó cũng chính là tiền đề cho lời mời Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 – các quốc gia thành viên theo đuổi nền kinh tế thị trường đã hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ hành xử tốt. Nhưng đó là một kỳ vọng sai lầm.
Bước ngoặt lớn trong cuộc thương chiến
Khi các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc bị đánh thuế, thì các công ty của Mỹ và châu Âu cũng phải sắp xếp lại nguồn cung ứng của mình. Đã tới lúc làm như vậy. Việc phụ thuộc vào một quốc gia coi thường luật lệ là hành động sai lầm.
Công ty Kiểm soát Chất lượng và Kiểm toán Chuỗi Cung ứng, một đơn vị chuyên giám sát việc tuân thủ chuỗi cung ứng, gần đây đã báo cáo rằng nhu cầu kiểm soát và kiểm toán của họ ở Trung Quốc từ các công ty có trụ sở tại Mỹ đã giảm 13% trong nửa đầu năm 2019 so với năm ngoái.
Cũng theo kết quả khảo sát của công ty này, thì tính riêng trong năm nay đã có hơn 2/3 số doanh nghiệp của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia mới, hoặc có kế hoạch thực hiện điều này trong tương lai gần.
Đó chính là dấu hiệu của một bước ngoặt lớn trong cuộc thương chiến.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình kéo dài ở Hong Kong có thể ảnh hưởng tới kinh tế và khiến vị trí trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của đặc khu hành chính này lung lay. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của Trung Quốc.
Hong Kong có vai trò quan trọng trong dòng lưu chuyển vốn tại Trung Quốc và trong việc xây dựng thị trường tài chính của nước này. Khoảng 58% dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đi qua đặc khu hành chính này.
Nếu các nhà đầu tư cho rằng Hong Kong không ổn định, thì khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc – trụ cột chính trong kế hoạch 5 năm của Bắc Kinh, cũng sẽ bị đe dọa.
Hiện nay nhiều người Trung Quốc giàu có từng coi Hong Kong là nơi trú ẩn an toàn đã chuyển tài sản đi nơi khác.
Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác sẽ không được hưởng lợi từ những vấn đề của Trung Quốc, trừ khi tình hình tăng trưởng giảm tốc và thoái vốn khiến Bắc Kinh thay đổi hành vi của mình. Liệu ông Tập Cận Bình có lựa chọn thỏa hiệp với Nhà Trắng và những người biểu tình ở Hong Kong hay không, có lẽ chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
Nhưng có một điều chúng ta biết chắc chắn, đó là Bắc Kinh đang phải chịu áp lực lớn chưa từng thấy, nhờ vào cuộc thương chiến của Tổng thống Trump. Và cả thế giới đều được hưởng lợi từ cuộc chiến này.
Hồng Anh/Soha News