+
Aa
-
like
comment

“Thế hệ chuột túi” đáng ngại ở Hàn Quốc và cảnh báo cho Việt Nam

Khánh Đăng - 17/08/2022 14:53

Theo lẽ thường, hầu hết mọi người đều đi làm khi trưởng thành, tự lập về tài chính và có thể tự lo được cho bản thân mình. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Họ không thể tự lập, sống cùng cha mẹ và phụ thuộc vào cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đáng ngại hơn, những ngoại lệ ấy, ngày nay, dần trở thành đa số. Ở Hàn Quốc, người ta gọi họ là “Thế hệ chuột túi”.

Ở Hàn Quốc đang tồn tại một lớp người ngoài 30 tuổi vẫn ăn bám cha mẹ. Họ không thích đi làm, không yêu đương và cũng chẳng kết hôn.

“Thế hệ chuột túi” là một thuật ngữ xuất hiện từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính châu Á, được dùng để chỉ những người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học ở độ tuổi ngoài 20, sống phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tài chính lẫn tình cảm, ngay cả khi họ đã đủ lớn để tự lập. Đến thập niên 2000, đối tượng mà thuật ngữ này đã mở rộng đến phạm vi của những người đã lập gia đình, thậm chí đã có con, bất kể họ có đi làm hay không thì vẫn sống, dựa dẫm vào cha mẹ.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc, hơn một nửa số người độc thân ở độ tuổi 30 đang sống cùng cha mẹ thay vì dọn ra ở riêng. Tỷ lệ các hộ gia đình có thanh niên trên 26 tuổi độc thân sống cùng bố mẹ đã không ngừng gia tăng, từ 9% năm 1985 lên 26% năm 2010, theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc. Hay như một khảo sát do Jobkorea thực hiện từ năm 2015, gần 40% trong số 3.574 người được hỏi tự nhận họ là người thuộc “Thế hệ chuột túi”, khoảng 70% trong số đó vẫn đang được giúp đỡ tài chính từ cha mẹ và tỷ lệ này không ngừng tăng theo từng năm ở Hàn Quốc.

Những con số biết nói ở trên cho thấy thực trạng đáng báo động của xã hội Hàn Quốc – một xã hội công nghiệp năng động, sáng tạo đang dần rơi vào thế bế tắc như bao xã hội công nghiệp khác, đối mặt với già hoá dân số và sự phụ thuộc của người trẻ vào thế hệ trước. Vậy, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Trước hết, đó là câu chuyện về việc làm. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động là nguyên nhân đầu tiên và căn cơ nhất cản trở người trẻ nước này bước ra khỏi “cái kén” của cha mẹ. Những chi phí phát sinh của đời sống như chỗ ở, điện nước, ăn uống, …càng tô đậm thêm cho các khó khăn mà thanh niên Hàn phải trải qua khi chấp nhận ra riêng. Về phần cha mẹ, một tình trạng chung là tâm lý bao bọc con cái. Không chỉ không giúp con mình trưởng thành hơn, trái lại, sự bảo bọc quá mức ấy đang dần tạo nên hàng triệu con “chuột túi” phụ thuộc trên khắp xứ này.

Về lâu về dài, việc duy trì một hiện tượng xã hội tiêu cực này sẽ cản trở sự phát triển của quốc gia. Ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, từ hơn một thập kỷ qua, chính quyền Hàn Quốc đã và đang nỗ lực xây dựng và thực thi nhiều giải pháp.

Trong đó, nổi bật hơn cả là các gói giải pháp về giáo dục và chăm sóc sức khoẻ y tế. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trực tiếp đáp ứng nhu cầu của xã hội là ưu tiên lớn nhất vào lúc này nếu muốn giải quyết vấn nạn “Thế hệ chuột túi”. Ngoài ra, trợ cấp thai sản và sinh con, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, …cũng được xem xét là các giải pháp tình thế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người trẻ, đặc biệt sau thời gian căng thẳng vừa qua do đại dịch. Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn tỏ ra chưa thật sự hiệu quả tại Hàn Quốc. Nhiều dự án và chương trình chỉ có tác dụng trước mắt, chưa thực sự giải quyết ngọn nguồn của vấn đề.

Là một trong những quốc gia có nhiều tương đồng với Hàn Quốc về lịch sử, văn hoá và con đường phát triển theo định hướng công nghiệp, Việt Nam ngày nay cũng dần xuất hiện những mầm mống đầu tiên của một thế hệ thanh niên phụ thuộc vào cha mẹ. Để tránh rơi vào trường hợp như Hàn Quốc, bản thân mỗi người trẻ cần chuẩn bị sẵn sàng về kỹ năng và chuyên môn cần thiết trước khi thực sự bước chân vào đời sống công nghiệp hiện đại. Trong đó, năng lực về ngoại ngữ, quản lý và ứng phó với rủi ro trở thành những công cụ vô cùng quan trọng trong môi trường làm việc luôn luôn thay đổi, biến động không ngừng. Để không trở thành “nạn nhân” của thời đại và biến mình thành một con “chuột túi”, người trẻ Việt Nam cần nỗ lực, không phải sau này, mà là ngay bây giờ.

Đăng Võ

Bài mới
Đọc nhiều