+
Aa
-
like
comment

The Guardian: Biểu tình đẫm máu: “Myanmar giống như chiến trường”

01/03/2021 11:51

Ít nhất 18 người được cho là đã thiệt mạng và 30 người khác bị thương, theo thống kê của văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc, trong ngày đàn áp đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính của quân đội Myanmar xảy ra hồi tháng 2 vừa qua.

Theo The Guardian ngày 1/3 đưa tin, đạn thật, lựu đạn gây choáng và hơi cay đã được dùng để bắn vào những người biểu tình ở một số thị trấn và thành phố khi cảnh sát cố gắng trấn áp các cuộc biểu tình đang ngày càng lan rộng trên toàn Myanmar vào cuối tuần qua.

Các trường hợp tử vong được cho là do bị đạn thật bắn được ghi nhận tại Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pakokku, theo văn phòng Liên hợp quốc (LHQ).

“Cảnh sát đã tiếp cận và chuẩn bị sẵn súng. Chúng tôi không nghĩ rằng họ thực sự sẽ bắn”, Ye Swan Htet, anh họ của một nạn nhân 23 tuổi, nói với Guardian. Theo đó, cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, với đám đông đang hát và vỗ tay. “Đó là tất cả những gì chúng tôi đã làm. Và sau đó họ bắt đầu nổ súng”, anh kể lại.

Những người bị thương được di chuyển bằng cáng đến nơi điều trị. Ảnh: Getty
Những người bị thương được di chuyển bằng cáng đến nơi điều trị. Ảnh: Getty
Một người bị thương được nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Ảnh: AP
Một người bị thương được nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Ảnh: AP

Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình đã nỗ lực dùng cáng đưa người bị thương đến nơi an toàn. Trong một hình ảnh được Mizzima news đăng tải, một người biểu tình giơ cao ba ngón tay khi anh ta được đưa đi trên cáng, một cử chỉ thể hiện sự phản đối quân đội.

“Myanmar giống như chiến trường”, Charles Maung Bo, Hồng y Công giáo đầu tiên tại Myanmar, viết trên Twitter. Ông đồng thời chia sẻ bức ảnh cho thấy một nữ tu ở tỉnh Kachin đã quỳ gối trước lực lượng cảnh sát, cầu xin họ kiềm chế.

The Guardian cũng cho biết, đạn thật cũng được sử dụng tại Hledan Junction, một điểm tụ tập của những người biểu tình, sau khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bằng cách sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng.

“Chúng tôi là một phần của cuộc biểu tình của các kỹ sư”, một trong số gần 10.000 người tham gia biểu tình tại đây nói. “Cảnh sát bắt đầu bắn (hơi cay) vào chúng tôi vào khoảng 9 giờ sáng. Tất cả chúng tôi đều chạy theo những hướng khác nhau… Nó thực sự tồi tệ, nó thật đáng sợ”, người này mô tả.

Người biểu tình đeo kính, mặt nạ chống độc đối đầu với cảnh sát. Ảnh: Reuters
Người biểu tình đeo kính, mặt nạ chống độc đối đầu với cảnh sát. Ảnh: Reuters
Các cuộc biểu tình liên tục diễn ra trên đường phố Myanmar. Ảnh: Getty
Các cuộc biểu tình liên tục diễn ra trên đường phố Myanmar. Ảnh: Getty

Nhiều người biểu tình đã đeo mặt nạ chống độc, đội mũ và đeo kính bảo vệ, sau phản ứng ngày càng dữ dội của cảnh sát hôm 27/2, khi hơi cay và đạn cao su được sử dụng để giải tán đám đông. Theo đài truyền hình MRTV do nhà nước điều hành, hơn 470 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình hôm 27/2.

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã bị giam giữ trong ngày 28/2, mặc dù hàng chục bác sĩ được cho là đã bị bắt. Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy các bác sĩ và y tá mặc áo blouse trắng đang chạy trốn khi cảnh sát ném lựu đạn choáng bên ngoài một trường y ở Yangon.

“Họ đang bắn dân thường. Đây là sự tàn ác thực sự”, một nhân viên y tế đang vận chuyển những người bị thương đến bệnh viện đa khoa Yangon cho biết. Một số người đang được điều trị vì những vết thương nghiêm trọng do súng bắn. “Nhiều bệnh nhân còn trẻ, một số ở độ tuổi ngoài 20”, anh nói.

Người biểu tình bị thương do dính hơi cay từ phía cảnh sát. Ảnh: AP
Người biểu tình bị thương do dính hơi cay từ phía cảnh sát. Ảnh: AP

Quân đội Myanmar đang phải đối mặt với phong trào phản đối ngày càng lan rộng trong người dân nước này sau khi bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao, tiến hành đảo chính và lên nắm quyền chính phủ.

Chính quyền quân đội đã hứa sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian một năm. Song, những người biểu tình không bị thuyết phục bởi những cam kết tương tự và đã yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo được bầu trong cuộc bầu cử diễn ra tháng 11 năm ngoái, mà phần thắng, vốn bị quân đội cáo buộc là gian lận, thuộc về đảng NLD của bà Suu Kyi.

Trong ba tuần qua, các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại các thị trấn và thành phố trên khắp Myanmar, có thời điểm hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình. Phong trào đình công bất tuân dân sự cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều bác sĩ, kỹ sư, công nhân và nông dân.

Vào tối 26/2, đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun đã có một bài phát biểu đầy xúc động, kêu gọi hành động quốc tế để khôi phục nền dân chủ và bảo vệ người dân. Đến tối 27/2, kênh truyền hình MRTV thông báo rằng ông đã bị cách chức vì “lạm dụng quyền lực của mình”.

An Nhiên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều