Thế giới ngầm tàn khốc nơi xảy ra vụ 39 người chết trong xe tải
Rob Watson, một tài xế hiện 53 tuổi, đã lái xe từ khi mới 18 tuổi nói: “Rất dễ chui vào bên trong các xe tải đó. Tôi đã thấy nhiều người nhảy ra khỏi xe tải trên đường M25”.
Từ vũng cạn Tilbury tới cảng Purfleet, đường bờ biển dài thứ hai ở Anh được tô điểm bằng một số điểm tiếp nhận hàng hóa quốc tế. Việc này thường gây phiền nhiễu về giao thông cho người dân địa phương. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nó cũng phơi bày thế giới ngầm tàn khốc của những kẻ buôn lậu người. Ngày 23/10, có 39 người được tìm thấy đã chết trong một xe công-ten-nơ tại một khu công nghiệp ở Grays, gần Purfleet.
Các nạn nhân ban đầu được xác định là người Trung Quốc, nhưng sau này lại được cho là người Việt. Công-ten-nơ được chuyển từ Zeebrugge, Bỉ tới cảng Purflee, sau đó một chiếc xe tải đi từ Dublin tới, đã tiếp nhận thùng hàng này. Hiện, tài xế xe tải đang đối mặt với 39 tội giết người.
Theo báo News Statesman, vụ 39 người chết trong công-ten-nơ không phải là vụ đầu tiên như vậy xảy ra. Năm 2014, có 35 người Afghanistan, trong đó có 13 trẻ em và một nam giới đã chết, được tìm thấy trong một công-ten-nơ bị khóa trái ở Tilbury. Năm 2000, 58 công dân Trung Quốc được tìm thấy đã chết trong một công-ten-nơ ở Dover. Một năm sau tại cảng Rosslare, Ireland, có 13 người Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Albania cũng được tìm thấy bên trong một công-ten-nơ. Tám người trong số này, gồm cả trẻ em đều bị ngạt.
“Chui vào bên trong các xe tải đó rất dễ”, Rob Watson, một tài xế xe tải 53 tuổi ở Essex từng đỗ xe ở gần khu công nghiệp ở Grays nói với phóng viên News Statesman. “Họ có thể chui vào trong xe qua cửa rèm cạnh xe hoặc buộc mình dưới gầm xe. Tôi đã thấy nhiều người nhảy ra khỏi xe tải trên đường M25”.
Làm tài xế từ năm 18 tuổi, ông Watson cho hay, tình hình ngày càng tệ hơn với những người đi lậu vé. “Rất nhiều người muốn vào Anh, tôi không rõ lý do tại sao, có lẽ vì nhiều nguyên nhân”.
Gần đó, Rhys Griffiths, một lao động từng làm việc ở Grays suốt 8 năm qua cho hay, anh đã chứng kiến cảnh nhiều người bị bắt ở đằng sau xe tải và “những người di cư trái phép” bị phát hiện. “Tôi thấy việc đó vài lần nhưng không có ai chết”.
Các cảng ở bờ biển phía đông của Anh là “nơi lý tưởng” với các nhóm tội phạm có tổ chức, như bọn buôn người, Nick Alston cảnh sát trưởng Essex từ 2012 tới 2016 cho hay. “Purfleet sát ngay đường M25, nơi có nhiều xe công-ten-nơ qua lại và gần với London. Trong những năm vừa qua, có nhiều vụ phạm tội đã xảy ra…Các cơ hội của bọn buôn người rất lớn và khiến lực lượng biên phòng khó đối phó”, ông Nick cho hay. Cả lực lượng biên phòng và cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh đều nêu bật về nguy cơ người được vận chuyển lậu trong công-ten-nơ vài năm gần đây.
Ngồi trên một băng ghế ở sân chơi, đằng sau lưng là các cần cẩu của vũng cạn Tilbury, John Kent cựu lãnh đạo Hội đồng lao động Thurrock từ năm 2010-2016 nhớ lại chuyện phát hiện được một công-ten-nơ chứa 35 người vào năm 2014.
“Thực sự đáng lo ngại vì 5 năm sau những gì xảy ra ở Tilbury với những người Afghanistan, thảm kịch lại tái diễn một lần nữa với hậu quả kinh hoàng hơn nhiều. Bạn sẽ đặt câu hỏi tại sao những lời cảnh báo từ Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh cách đây hai năm không được để tâm”, ông John Kent nói.
Jackie Doyle-Price, nghị sĩ đảng Bảo thủ, đại diện cho Thurrock nói, việc dẹp các khu trại tị nạn ở Calais từ năm 2016 đã buộc người di cư muốn vượt biển Manche phải chọn một lộ trình khác. Jackie thể hiện sự khiếp sợ nhưng không sốc khi nghe về vụ 39 người chết. “Nhiều người chui vào công-ten-nơ mỗi ngày để vào được Anh và chuyện có người thiệt mạng chỉ là vấn đề thời gian”, Jackie nói.
Andrew Wallis, người đứng đầu hội từ thiện chống nô lệ Unseen nói, người lao động nhập cảnh lậu vào Anh bị ép làm việc trong các xưởng trồng cần sa, các nhà hàng, ngành công nghiệp tình dục, các cửa hàng làm móng. “Chúng ta cần tạo lập một hành trình an toàn cho những người muốn xin tị nạn. Tại Anh, bạn chỉ có thể xin tị nạn khi đã đặt chân tới nước này”.
Cư dân Thurrock đã thắp nến tại các nhà thờ và viết chia buồn tại tòa nhà hội đồng thành phố. Một phụ nữ tên là Ding Ding đã viết lời chia buồn bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Cách đây 12 năm, cô từ Trung Quốc tới Anh với tư cách là sinh viên và hiện đang làm việc cho một công ty ở Purfleet.
“Khi tôi tới Anh, nhiều người hỏi tôi về việc nhặt sò”, Ding Ding nói và nhắc tới 23 lao động Trung Quốc bị chìm ở Vịnh Morecambe năm 2004. “Giờ đây, tôi lại có mặt ở một sự kiện tương tự, thế giới không hề thay đổi. Tôi đã nỗ lực rất nhiều khi ở đất nước này. Tôi yêu nước Anh và họ cũng muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng không có lựa chọn khác”.
(Theo Vietnamnet)