+
Aa
-
like
comment

Thế giới hậu Covid-19 – Phần cuối, cuộc chiến Peloponnsus

Hoàng Anh Tuấn - 26/04/2020 11:58

Cho dù diễn ra với kịch bản tốt nhất, nhưng hậu quả mà kẻ thù vô hình Covid-19 gây ra cho các quốc gia, cho quan hệ quốc tế thì lại vô cùng nặng nề, tác động đến hàng thập kỷ sau đó.

Canh Cò trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch Covid-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.

“Thế giới hậu Covid-19” sẽ là một thế giới hoàn toàn khác, vĩnh viễn không bao giờ trở lại như thế giới chúng ta đã sống mới chỉ vài tháng trước đó.

Trước hết, về quan hệ quốc tế, hậu Covid-19 sẽ rút ngắn thời gian tiến tới cuộc “Chiến tranh lạnh mới 2.0” giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự phân chia thế giới thành hai chiến tuyến đối đầu nhau.

Cách đây 2.400 năm, nhà sử học và khoa học chính trị Hy lạp cổ đại Thucydides đã quan sát và phát hiện ra sự đối đầu khó tránh khỏi giữa một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và một cường quốc đã định hình khi ông nghiên cứu về cuộc chiến Peloponnsus giữa Athens và Sparta.

Cuộc chiến Peloponnsus giữa Athens và Sparta.

Dường như lịch sử đang lặp lại và “đẩy” Trung Quốc và Mỹ hai thế lực hùng mạnh nhất của thời đại, một bên thì đang trỗi dậy như “Thánh Gióng”, còn một bên thì đã xác lập vị trí thống trị vững chắc của mình trên bàn cờ chính trị thế giới vào một cuộc “đối đầu định mệnh”. Mối quan hệ này đang rơi vào “cái bẫy Thucydides” không ai mong muốn, kể cả lãnh đạo và người dân Trung Quốc và Mỹ, nhưng lại không thể tìm cách thoát ra được.

Thế giới hậu Covid-19 Phần cuối
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Nhìn từ góc độ toàn cầu, sự tốt lên hay xấu đi trong quan hệ giữa các quốc gia ra trong hệ thống quan hệ quốc tế là điều bình thường. Nhưng khi sự chuyển trạng thái quan hệ liên quan đến các nước lớn, đặc biệt là những nước ở vị trí số 1 và số 2 trên thế giới, đại diện cho các các hình thái kinh tế, ý thức hệ, tập hợp lực lượng… mang bản chất đối kháng như Mỹ và Trung Quốc thì nó không còn là điều bình thường nữa, mà tác động ngay lập tức đến tập hợp lực lượng chính trị ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Thực tế đó đã được kiểm chứng đối với quan hệ đối đầu Mỹ Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và quan hệ Trung Mỹ cũng không phải là ngoại lệ.

Nhìn từ góc độ đó, sự xấu đi của quan hệ Trung Mỹ cũng như sự manh nha hình thành một thế giới hai cực mới trong cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 là một xu hướng khó đảo chiều. Còn các cố gắng như thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn một ký ngày 15/1/2020 cách đây hơn 3 tháng cũng chỉ giúp hai bên trì hoãn, câu giờ thêm mà thôi.

Và đương nhiên, đại dịch Covid-19 đã “giúp” tăng tốc tiến trình đối đầu này. Hãng thăm dò dư luận Pew ngày 21/4/2020 đã công bố kết quả giật mình: Có tới 66%, tức 2/3 số người Mỹ được hỏi ý kiến có thái độ tiêu cực về Trung Quốc, trong khi chỉ có 26% là có thái độ tích cực.

Để so sánh, khi Tổng thống Trump mới lên cầm quyền năm 2017, 47% người Mỹ có thái độ tiêu cực với Trung Quốc, trong khi vẫn còn tới 44% có thái độ tích cực. Cũng trong cuộc thăm dò dư luận ngày 21/4, 91% (tức 9/10) người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới là mối đe dọa đối với Mỹ.

Còn ở phía đối diện, tình hình cũng chẳng khác mấy. Lãnh đạo cũng như rất nhiều người Trung Quốc tin rằng nước Mỹ đang “không từ một thủ đoạn nào”, tìm mọi cách cách để kìm chân, ngăn cản Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc thế giới.

Điều trớ trêu là đại dịch càng kéo dài, thiệt hại về người và của đối với nước Mỹ càng lớn thì sự “thiếu thiện cảm” của chính quyền ông Trump, và dư luận Mỹ đối với Trung Quốc nơi họ tin rằng xuất phát Covid-19 và từ đó lan ra khắp thế giới lại càng có chiều hướng tăng lên.

Thậm chí, họ cũng chẳng quan tâm đến lời giải thích của Trung Quốc rằng đại dịch là quy luật tự nhiên và có thể bùng phát ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào trên thế giới, còn việc bắt nguồn từ Trung Quốc chỉ là một sự trùng hợp “ngẫu nhiên” mà thôi.

Nhưng ẩn sâu xa là nỗi lo lắng tột cùng của giới tính hoa nước Mỹ về việc Mỹ thì đang “ngã bệnh”, còn Trung Quốc lại đang trên đà phục hồi nhanh chóng và có thể nhân cơ hội này vượt lên, “bỏ lại” Mỹ phía sau.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã đưa ra cảnh báo lạnh người rằng đại dịch Covid-19 có thể là “Thời khắc Suez” đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế Mỹ, tương tự như sự sụp đổ của Đế quốc Anh sau sự kiện khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956.

Trong lúc chính quyền Trump đang tính kế thì một số chính khách của cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ và học giả “diều hâu” đã bắt đầu hiến kế các kịch bản “ăn miếng trả miếng” theo kiểu “Trạng chết Chúa cũng băng hà” để làm cho Trung Quốc khốn đốn nhất có thể.

Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, Chủ tịch ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, gợi ý một loại thuế (Pandemic Tariffs) đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để “bù đắp” những thiệt hại tại do đại dịch gây ra đối với nước Mỹ.

Đi xa hơn, học giả Harry Kazianis đề ra kế hoạch với 5 bước khởi đầu: (i) Tẩy chay Olympic Mùa đông tổ chức năm 2022 ở Bắc Kinh tương tự như việc Mỹ và Phương Tây đã từng tẩy chay Olympic Mùa hè Moscow năm 1980; (ii) Công nhận ngoại giao Đài Loan; (iii) Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ phải in chữ “Made in China” thật to ở phía trước để người Mỹ “tránh xa”; (iv) Tìm cách thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc; và (v) Thay đổi nội luật để người dân và các công ty Mỹ bị ảnh hưởng có thể kiện, đòi bồi thường để làm cho Trung Quốc khánh kiệt về mặt tài chính.

Một học giả khác là giáo sư Gavin Clarkson thậm chí còn đề nghị chính quyền Trump “tịch thu” 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu để chi trả cho các tổn thất do Covid-19 gây ra mà Mỹ đang phải gánh chịu.

Ở bên ngoài, các đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Đức, Pháp… cũng bắt đầu “rục rịch” các tiến trình tham vấn, phối hợp hành động chung, trước mắt là mở các cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân phát tán, ngay sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.

Về phần mình, Trung Quốc đang xem các diễn biến trên như những “trò hề”. Với tinh thần dân tộc nước lớn, họ chắc sẽ không “ngồi yên” chịu trận, để mặc cho Mỹ và phương tây “bắt nạt” như trong thời kỳ “thế kỷ ô nhục” trước đây.

Sự nghi kỵ, thù địch, thậm chí đối đầu Trung Mỹ chắc chắn sẽ không còn giới hạn trong phạm vi địa chính trị, địa chiến lược, hay “câu chuyện nội bộ” giữa các nước lớn nữa, mà sẽ nhanh chóng lan tỏa, tác động đến lĩnh vực kinh tế, các cân nhắc, lựa chọn chiến lược của các nước vừa và nhỏ những quốc gia không sớm thì muộn, không trực tiếp thì cũng gián tiếp bị “kéo” vào “trò chơi quyền lực” hao người, tốn của giữa hai siêu cường này.

Thế giới hậu Covid-19 Phần cuối
“Thế giới hậu Covid-19” sẽ là một thế giới hoàn toàn khác, vĩnh viễn không bao giờ trở lại như thế giới chúng ta đã sống mới chỉ vài tháng trước đó.

Trong khi phải lo đối phó với các bất ổn địa chính trị toàn cầu, thì điều đáng lo ngại là bức tranh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đối với phần lớn các nước cũng không mấy sáng sủa, thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, về tổng thể, trong suốt đợt đại dịch Covid-19 này, gần như không có ngoại lệ, tất cả các quốc gia trên thế giới đều hứng chịu tổn thất nặng nề: không nhân mạng, thì vật chất, thậm chí cả hai.

Năng lực sản xuất của các nước lẫn “cầu” tiêu dùng của người dân bị phanh gấp và dừng đột ngột, khó có thể phục hồi trong ngắn hạn. Sản xuất và tiêu dùng là hai nhân tố liên hệ mật thiết với nhau: Từ góc độ cầu, phần lớn người dân trong giai đoạn chống dịch đều phải chật vật vì khó khăn tài chính, thu nhập giảm nên buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Đó là còn chưa kể đến yếu tố tâm lý hình thành trong quá trình cách ly là sống đơn giản, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, trong khi vẫn phải tiết kiệm để lo đối phó với các khó khăn tiếp theo có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Với tổng cầu yếu như vậy thì có thể dự đoán sản xuất và dịch vụ sẽ phục hồi rất chậm.

Thứ hai, toàn bộ nền kinh tế chuỗi, với các cấu trúc phức tạp, gắn kết chặt chẽ với nhau thành khâu khép kín từ khai thác nguyên vật liệu, gia công, chế biến, hậu cần, dịch vụ, kho bãi, sân bay, cảng biển… bỗng chốc bị đứt gẫy và cần được tạo dựng lại.

Một số quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có may mắn và lợi thế được cân nhắc ưu tiên trở thành “bến đỗ mới” của các công ty đa quốc gia trong quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc sản xuất của họ. Tuy nhiên, tiến trình này có thể phải mất hàng năm trời, với nỗ lực vượt bậc của chính phủ và doanh nghiệp thì mới đem lại kết quả.

Thứ ba, xuất khẩu nguyên, nhiên liệu, nông sản, hàng hóa thành phẩm… cũng khó còn được xem là “cứu cánh” để giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng kinh tế, thoát nghèo và tiến lên các bậc thang phát triển cao hơn.

Nguyên nhân do: (i) Mức cầu chung trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng; (ii) Các nước đang trong quá trình trình xem xét, sắp xếp lại năng lực sản xuất quốc gia, tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Đặc biệt, những thị trường lớn như Mỹ, EU họ sẽ đặt ưu tiên việc tự cung tự cấp các mặt hàng thiết yếu, hoặc chuyển đầu tư sản xuất về gần thị trường tiêu thụ trụ theo mô thức off-shore sang near-shore hoặc in-shore; (iii) Mức độ hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa đời sống kinh tế quốc tế bị giảm đi đáng kể, cộng với khả năng thị trường toàn cầu bị “chia cắt” lại dưới tác động của cạnh tranh Trung-Mỹ.

Thứ tư, nhiều nước bất đắc dĩ phải “tung” ra các gói cứu trợ khổng lồ, thực chất có tác dụng như những “máy thở” giúp cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thoát khỏi đại họa trước mắt như phá sản, thất nghiệp… Làm như vậy họ cũng hiểu rằng vay nợ là con dao hai lưỡi, và nếu sử dụng không khéo thì chẳng khác nào dùng thuốc độc để giải khát vào lúc này.

Thực vậy, dù dùng những tên gọi mỹ miều khác nhau như “giải cứu”, “hỗ trợ”, “kích thích”… nhưng thực chất đây là câu chuyện vay của tương lai để giải quyết các vấn đề trước mắt. Vay nợ tất yếu sẽ tăng gánh nặng nợ công, cũng như trả lãi vay nợ những yếu tố đầy rủi ro tiềm ẩn, kéo tăng trưởng chậm lại về mặt dài hạn cũng như làm tăng nguy cơ phá sản.

Năm là, do nền tảng kinh tế yếu, đầu tư tích lũy có hạn, các nước nghèo và đang phát triển sẽ chịu nhiều rủi ro lớn hơn: (i) Ngân hàng thế giới dự báo các nước này sẽ chìm sâu vào suy thoái kinh tế trong năm 2020; (ii) Trước mắt khoảng 150 triệu người ở các nước đang phát triển có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, tiếp đó là các nguy cơ đói nghèo, dịch bệnh, bất ổn xã hội, nguy cơ chảy máu chất xám và bị hút dòng tiền dành cho phát triển sang các nước giàu; (iii) Khả năng phải “tự cứu mình” (self-help) nếu có “mệnh hệ gì”.

Trước đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (World Bank), Ngân hàng hàng phát triển Châu Á, các nước G7, G20… được xem là chỗ dựa cuối cùng hỗ trợ cho các nước gặp khủng hoảng tài chính hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Nhưng khả năng này hiện còn rất thấp vì chính các chủ nợ cũng đang “lâm trọng bệnh”, còn số lượng các “con bệnh” có nguy cơ nhập phòng hồi sức cấp cứu lại quá đông.

Thay cho lời kết

Series bài viết “Thế giới hậu Covid-19” cố gắng mô tả một cách trung thực nhất viễn cảnh những thay đổi trên thế giới trong tương lai, từ việc hình thành các tập hợp lực lượng mới, quan hệ Trung Mỹ, cục diện thế giới, các khó khăn, thách thức đang đặt ra cho tất cả các nước, cũng như một số xu hướng lớn như chủ nghĩa dân tộc, toàn cầu hóa, quản trị toàn cầu, các dự báo thay đổi về mặt công nghệ, sự thích ứng của các quốc gia trong việc xây dựng hệ thống phòng vệ về mặt y tế…

Các bài viết này mới chỉ phản ánh một phần những thay đổi trong một thế giới mới. Còn rất nhiều các câu hỏi khác mà mỗi người, từ góc độ quan tâm và hiểu biết của mình, có thể cùng nêu và chia sẻ.

Hy vọng loạt bài viết này sẽ giúp gợi mở cho nhiều loạt bài chuyên sâu hơn về cùng chủ đề, giúp chúng ta cùng suy ngẫm và tìm ra lời giải thấu đáo.

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao

 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều