+
Aa
-
like
comment

Thế giới đánh giá cao Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19

16/03/2020 14:06

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều tổ chức, chuyên gia thế giới đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam (trái ảnh) đánh giá cao hiệu quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Ấn tượng về chiến lược “4 tại chỗ” của Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay, WHO đã nhiều lần khen ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống COVID-19. Mới đây nhất, hôm 14.3, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá sự vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt của Chính phủ Việt Nam; ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ, sự đầu tư đều đặn và tích cực.

Đại diện WHO bày tỏ ấn tượng về hai chiến lược mà Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đang thực hiện là “4 tại chỗ” và nguyên tắc cách ly. Nguyên tắc “4 tại chỗ” (điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, cách ly tại chỗ và vật tư tại chỗ) được WHO đánh giá rất cao, thay vì chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên, điều trị ngay tại cơ sở, không phải vận chuyển, lại có đội phản ứng tại chỗ. Để đạt được điều đó phải có sự đầu tư từ sớm, nâng cao năng lực cho tuyến dưới, giảm thiểu gánh nặng cho tuyến trên.

WHO cũng bày tỏ ấn tượng về sự hợp tác của toàn thể người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19; thể hiện lòng tin của người dân và toàn xã hội. Công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch tại Việt Nam đã được thực hiện tốt, điển hình là ở Vĩnh Phúc, không thấy sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân vì cách ly.

WHO khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt chống dịch như hiện nay, thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa; rà soát lại các kế hoạch và kích hoạt cần thiết khi dịch bệnh lây lan rộng. Tiến sĩ Kidong Park cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam, huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam.

Liên quan vấn đề vaccine chữa bệnh COVID-19, WHO đã hợp tác với các đối tác, đến nay có 20 ứng cử viên về sản xuất loại vaccine này. Việc nghiên cứu sản xuất vaccine là rất cần thiết, nhưng vấn đề sản xuất đại trà mới là quan trọng. WHO cũng rất mừng là năng lực sản xuất vaccine ở Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu.

Trước đó, ngay từ giữa tháng 2, WHO đã ghi nhận Việt Nam xử lý tốt dịch COVID-19, với năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi – bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, v.v… theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (2005).

“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là COVID-19”, WHO nhận định.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19 của Việt Nam

Ngoài WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Hiện nay, hai tổ chức quốc tế này có hơn 120 nhân viên tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam kịp thời trong phòng, chống dịch COVID-19. Đại diện CDC tại Việt Nam Mathew Moore từng nhấn mạnh trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 2 rằng, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh, kiên quyết và hiệu quả, góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới.

Ông Mathew Moore đề nghị Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 với cộng đồng quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gene của virus gây bệnh ở Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Đại diện CDC có kế hoạch thăm Việt Nam vào nửa cuối tháng 3 này nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác y tế giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy việc thành lập Văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng sẵn sàng xem xét hỗ trợ thêm Việt Nam các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm giai đoạn đầu phòng chống COVID-19 của Việt Nam cũng đã được Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra chia sẻ với các nước trên thế giới. Điều phối viên Kamal Malhotra đánh giá rất cao nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2; đánh giá cao giai đoạn 1 và giai đoạn hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành chống dịch.

Ông Malhotra cho biết, Liên Hợp Quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới. Điều phối viên khẳng định, các tổ chức Liên Hợp Quốc ở Việt Nam sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam hài hòa về công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ việc đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội… Liên Hợp Quốc luôn sát cánh cùng Chính phủ ứng phó hiệu quả với đại dịch này trong giai đoạn 2 với những diễn biến phức tạp, khó lường.

Tiếp tục thực hiện cách ly triệt để

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay việc phòng chống dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi cách ứng phó với dịch phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, về chiến lược phòng chống, Việt Nam kiên trì, kiên định những chiến lược đã đề ra, nhưng có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch. Việt Nam Tiếp tục thực hiện cách ly, cách ly triệt để.  Việc thực hiện cách ly y tế với những hành khách ở các nước có dịch đã được kiểm soát tốt.

Hiện nay, công suất xét nghiệm được đẩy nhanh lên, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ…  C.L

Song Minh/LD

Bài mới
Đọc nhiều