+
Aa
-
like
comment

Thế giới đánh giá cao sự năng động của Việt Nam tại COP26

03/11/2021 09:25

Sự chủ động, tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính là người đại diện cho Việt Nam, đã khiến cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc song phương với nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao trong ngày 1 và 2-11 (giờ địa phương).

Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Mỹ tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước châu Á; khẳng định Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, hoan nghênh các công ty Mỹ tham gia các lĩnh vực phát triển xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam. Tổng thống Joe Biden đánh giá cao sự tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam tại COP26, đặc biệt là việc đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn…

Tiếp xúc song phương với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 3,7 triệu liều vắc-xin Covid-19, đồng thời chia sẻ các ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thương mại song phương sớm đạt 15 tỉ USD và tăng gấp đôi đầu tư 2 chiều, tăng cường nhập khẩu nông sản và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh…

Việt Nam năng động tại COP26 - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc song phương với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam qua 2 kênh là xuất khẩu vắc-xin trực tiếp và thông qua cơ chế COVAX. Bà cũng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan EU xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc dỡ bỏ thẻ vàng IUU (khai báo hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí 2 nước tiếp tục hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời nhận lời thăm Việt Nam. Tại cuộc tiếp xúc riêng, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẵn sàng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Thái Lan lên mốc 25 tỉ USD.

Ngày 2-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn AstraZeneca và chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác, bao gồm hợp đồng thương mại Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) mua hơn 25 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, nâng tổng số vắc-xin mà VNVC đặt mua thành công của AstraZeneca lên hơn 55 triệu liều. AstraZeneca cũng công bố khoản đầu tư đầu tiên trị giá 2.000 tỉ đồng (90 triệu USD) cho sản xuất gia công thuốc tại Việt Nam. Công bố đầu tư mới này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5.000 tỉ đồng (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024, được công bố hồi năm 2019.

Trước đó, tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Carlos Manuel Rodriguez hôm 1-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị quỹ tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực chính gồm bảo đảm an ninh lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long; xử lý rác thải nhựa đại dương; gìn giữ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái; thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris. Trong cuộc gặp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng cảm ơn WB đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam, nhất là đã viện trợ không hoàn lại 6,2 triệu USD và ủng hộ Việt Nam hoãn trả nợ để tập trung phòng chống dịch.

Cam kết mạnh mẽ về phát thải

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP26 ngày 1-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình – cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris – để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cho thế giới. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chung Văn

Bài mới
Đọc nhiều