Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến thế giới?
Kể từ đầu tháng 3, nhiều địa phương ở Trung Quốc xuất hiện ổ dịch Covid-19 với số ca mắc ngày càng tăng và tốc độ lây lan rất nhanh, buộc Chính quyền phải một lần nữa siết chặt chính sách “Zero Covid” để kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn người Trung Quốc vẫn ủng hộ chiến lược “Zero Covid ” thì vẫn có một bộ phận người dân phản đối chính sách này cũng bởi vì nó đang gây ra những tổn hại quá lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của họ. Họ ngày càng ngán ngẩm với chính sách “Zero Covid” của nước mình trong khi các quốc gia khác cố gắng sống chung với dịch. Vậy lý do là gì?
Cánh Cò xin phép được tổng hợp và gửi tới bạn đọc một số ý kiến của các chuyên gia, các nhà phân tích và các trang báo uy tín hàng đầu trên thế giới để bạn đọc tìm được câu trả lời dưới góc độ của truyền thông Phương Tây.
Theo tờ Financial Times (FT), cuộc chiến chống Covid của Trung Quốc hiện tại đang đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa hoạt động sản xuất và phân phối rất nhiều mặt hàng khác nhau.
FT trích lời nhận xét của Didier Chenneveau – một chuyên gia của McKinsey tại Mỹ nhận định: “Trung Quốc là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Trung Quốc đình chỉ mọi hoạt động giao thương hàng hóa khiến cho tình trạng ách tắc hàng hóa ngày càng kéo dài, từ đó thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung sản phẩm trên toàn thế giới”.
Nếu lây nhiễm không được kiểm soát, các nhà sản xuất sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn những gì từng xảy ra hai năm trước đây. Vấn đề nằm ở chỗ trong khi đại dịch vẫn còn căng thẳng, nhiều tập đoàn lớn vẫn cố bám trụ tại Trung Quốc, chưa có động thái giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và cũng chưa có kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra các thị trường khác ở Châu Á.
Hai năm trước, khi virus khởi điểm từ Vũ Hán và lây lan ra cả nước trong dịp Tết nguyên đán, chính phủ Trung Quốc đã áp lệnh phong tỏa đi lại trên diện rộng. Thời điểm hiện tại, các quy định hạn chế đi lại càng khắt khe hơn đã khiến hàng trăm triệu lao động nhập cư không thể trở lại làm việc tại các nhà máy, công xưởng. Nhiều cơ sở được lệnh đóng cửa trong nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đền nguồn thu và cuộc sống của người lao động.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng: “Chiến lược chống dịch Zero Covid giống như một ‘gánh nặng’ đối với nền kinh tế Trung Quốc”.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến trong khuôn khổ chuỗi sự kiện thường niên The Davos Agenda của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bà Georgieva nói rằng, cách thức kiểm soát Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc mặc dù đã đạt một số thành công ban đầu, nhưng giờ đây cũng chính chiến lược này đang gây ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích.
“Những hạn chế được áp dụng đang giống như một gánh nặng đối với nền kinh tế, đặt ra rủi ro không chỉ đối với Trung Quốc nói riêng mà còn đối với cả thế giới nói chung trong vấn đề cung ứng toàn cầu”, người đứng đầu IMF phát biểu.
Đợt bùng phát Covid-19 mới hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng có thể sớm đạt đỉnh. 23 thành phố đóng góp 22% GDP của Trung Quốc đã ngừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần. Chi phí của chính sách Zero Covid sẽ tăng lên đáng kể khi nguồn lợi giảm sút, đặc biệt là khi xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa đang diễn ra.
Tình hình dịch bùng phát mạnh còn khiến hàng chục địa phương bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, trong đó có những TP đầu tàu như Thượng Hải hoặc Thâm Quyến; số lượng người sống trong tình trạng này cũng lên tới gần 40 triệu. Nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, gây sức ép lên nền kinh tế một cách nghiêm trọng.
Tờ The Economist nhận định hiện việc theo đuổi chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Địa điểm đầu tiên phải kể đến đó là Thượng Hải – một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Những ngày ngày này Thượng Hải đang rơi vào trạng thái tê liệt. Thực phẩm mắc kẹt trong các tàu chở hàng, không được trữ lạnh kịp thời và đang dần bị hư hỏng.
Công tác vận tải hàng hóa hàng không cũng bị đình trệ, với các hãng bay hủy toàn bộ các chuyến bay ra vào thành phố. Hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng hiện không hoạt động. Thượng Hải sản xuất 6% hàng xuất khẩu Trung Quốc, theo số liệu của chính phủ năm 2021. Việc các nhà máy trong và quanh thành phố đóng cửa càng khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Các nhà máy cung cấp linh kiện cho Sony và Apple quanh Thượng Hải đều đóng cửa. Quanta, hãng sản xuất máy tính xách tay và MacBook theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã ngừng hoàn toàn nhà máy ở đây. Nhà máy này đóng góp khoảng 20% công suất của Quanta, trong khi trước đó, công ty này dự báo sẽ xuất xưởng 72 triệu chiếc trong năm nay. Tesla cũng đóng cửa nhà máy quy mô lớn ở Thượng Hải, với công suất 2.000 xe điện mỗi ngày.
Theo New York Times, giới kinh doanh lo ngại Trung Quốc đang quay trở lại nền kinh tế “bao cấp”.
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đang gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh Trung Quốc. Theo dữ liệu chính thức, mức tiêu thụ trên toàn quốc đã giảm 3,5% trong tháng 3, trong khi chi tiêu cho dịch vụ nhà hàng giảm mạnh 16%. Điều này khiến trang New York Times đặt ra câu hỏi “liệu Trung Quốc có đang quay trở lại nền kinh tế ‘bao cấp’, đi thụt lùi so với thế giới không?”.
Theo New York Times, một số ủy ban khu phố chỉ cho phép hoạt động phân phối hàng tạp hóa do chính phủ tổ chức. Những khu vực khác không cho phép cư dân mua tã, sữa bột trẻ em và giấy vệ sinh vì chúng không được coi là hàng hóa thiết yếu. Ở một số nơi, trái cây, bia và cà phê được coi là những mặt hàng phù phiếm.
Bắt đầu từ những năm 1980, Trung Quốc đã rời xa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, nhưng với tình hình này, khả năng đất nước 1,4 tỷ dân sẽ đưa Thượng Hải quay trở lại mô hình bao cấp chưa có hồi kết.
Riêng công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Pháp lại cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm các mối nguy tiêu dùng và rủi ro chuỗi cung ứng. Điều này cũng góp phần cản trở nỗ lực của nước này trong việc xóa bỏ và tái cân bằng nền kinh tế.
Mặc dù các nhà chức trách đang nỗ lực tinh chỉnh các chính sách ngăn chặn, chuyển từ phong tỏa hàng loạt sang phong tỏa có mục tiêu hơn, quy mô nhỏ hơn ở các thành phố lớn, Trung Quốc vẫn khó nới lỏng các biện pháp xử lý đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong thời gian còn lại của năm 2022.
Theo báo cáo của Eurasia Group, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ phải đối mặt với nhiều gián đoạn hơn từ chiến lược ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc. Tác động cụ thể sẽ khác nhau tùy vào khu vực địa lý và ngành.
“Việc đóng cửa ở Tây An đã ảnh hưởng đến sản lượng của các công ty bán dẫn, bao gồm Micron và Samsung. Các biện pháp ngăn chặn gần đây ở Thiên Tân buộc Toyota và Volkswagen phải đình chỉ các nhà máy”, báo cáo nêu ra một vài ví dụ.
Theo Eurasia Group, gần đây xuất hiện sự bất bình ngày càng tăng liên quan đến các biện pháp ngăn chặn cực đoan ở các khu vực. Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại đã đè nặng lên sinh kế của người dân. Điều đó có thể dẫn đến những rủi ro về ổn định xã hội một cách nghiêm trọng trên cả nước.
Không chỉ thế giới cảm thấy lo ngại vì sự “bảo thủ” của Trung Quốc, chính người dân nước này cũng đang dần thấm mệt vì chính sạch “Zero Covid” của Chính phủ.
Trong quá trình phong tỏa tại Thượng Hải, nhiều người dân đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt thực phẩm, quản lý kém và sự bất tiện do các quy định chống dịch gây ra. Hôm 23/4, người dân Thượng Hải tiếp tục lên tiếng sau khi một số khu dân cư bị quây rào sắt.
Trước tình trạng người dân phải chịu các biện pháp phòng chống dịch khắc nghiệt, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề, ông Dai Rongli, một cựu quan chức Thượng Hải, đã viết một bài blog có tựa đề “Thượng Hải cần sự quan tâm của đất nước” với nội dung cho rằng mỗi lần thành phố bị phong tỏa là một lần tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Mỗi lần chiến đấu với Covid-19 là một lần tích tụ những bất bình.
Nhiều người dân Thượng Hải cũng đã đăng tải câu chuyện của họ lên mạng xã hội, sau đó nhận được sự chia sẻ rộng rãi. Họ nói mình không thể đến thăm người thân bị ốm hoặc lái xe trên những con đường vắng vẻ.
Là quốc gia cuối cùng hướng tới mục tiêu Zero Covid, trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta và Omicrom đang ở mức đáng lo ngại. Nhưng chính sách này của Trung Quốc cũng đang đối mặt với sự thất vọng và mệt mỏi ngày càng tăng từ người dân, bởi họ cảm thấy phải hy sinh quyền riêng tư và lệnh phong tỏa giai đoạn này gây thiệt hại nhiều hơn là lợi ích với người hoạt động kinh doanh nhỏ hay người lao động.
Lan Hoa