Cuộc chiến chống dịch bệnh ở một số nơi tưởng như đã đi đến hồi kết nhưng sự lan rộng của biến chủng Delta đang khiến số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng trở lại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 14/7 số ca tử vong do Covid-19 ghi nhận hồi tuần trước là 55.000 người. Con số này tăng 3% so với một tuần trước đó, và cũng là lần tăng đầu tiên sau 9 tuần giảm liên tiếp. Trong ảnh, các nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang Cipenjo ở Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: AP. Số ca mắc Covid-19 tăng 10% tới gần 3 triệu trường hợp, nhiều nhất ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh. Tại thủ đô Jakarta ở Indonesia, chính quyền phải biến một khu đất rộng 3 ha trở thành nghĩa trang dành riêng cho nạn nhân Covid-19. Ảnh: Reuters. Indonesia trở thành tâm chấn Covid-19 mới ở châu Á sau khi ghi nhận hơn 40.000 ca dương tính với virus corona trong hai ngày liên tiếp. Theo Bloomberg, bình quân cứ một triệu người ở Indonesia thì có 3 ca tử vong vì Covid-19. Ảnh: AP. Tại Nhật Bản, giới chức nước này đã phải áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 tại thủ đô Tokyo khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh còn các giường bệnh chật kín. Giới chuyên gia lo ngại số ca mắc có thể tăng lên hàng nghìn trong thời gian diễn ra các sự kiện Olympic mùa hè. Ảnh: Reuters. Sau 3 tuần, người dân Sydney vẫn chưa thoát khỏi cảnh phong tỏa khi thành phố đông dân nhất Australia phải kéo dài thời gian đóng cửa đến cuối tháng 7 vì biến chủng Delta lây lan nhanh. Sáng 11/7, Australia đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2021 ở bang New South Wales. Ảnh: Reuters. Tương tự, Hàn Quốc cũng áp dụng mức độ phòng dịch cấp độ 4 – “bán phong tỏa” tại Seoul và một số khu vực lân cận do số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục. Ảnh: AP. Tại Anh, lần đầu tiên sau 6 tháng, ngành y tế ghi nhận hơn 40.000 trường hợp nhiễm trong ngày. Các ca mắc ở Bỉ do biến chủng Delta cũng tăng gần gấp đôi trong tuần qua. Trong ảnh là cơ sở điều trị Covid-19 ở Bỉ, nơi những người vô gia cư có kết quả xét nghiệm dương tính với virus có thể ở lại và được chăm sóc y tế. Ảnh: Kristof Vadino. Mỹ ghi nhận số trường hợp nhiễm mỗi ngày lên mức 24.000 ca. Mặc dù vậy, vaccine đã giúp nhiều người dân Mỹ tránh phải nhập viện. Số tử vong tại Mỹ có xu hướng giảm với khoảng 260 ca/ngày. Trong khi đó, số ca tử vong ở Argentina đã lên mức 100.000 trường hợp. Ảnh: AP. Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các quốc gia sẽ phải đối mặt với “áp lực đáng kể” nếu muốn dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. Vaccine vẫn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, dữ liệu của Our World in Data cho thấy mới chỉ có 25,6% dân số thế giới được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Ảnh: AP. Theo AP