+
Aa
-
like
comment

Thế giới có công cụ chấm dứt dịch Covid-19 nhưng khó thực hiện

08/12/2021 17:59

Vaccine được cho là công cụ hữu ích trong việc đối phó với Covid-19 nhưng vẫn chưa được thế giới sử dụng một cách tối ưu bởi vì sự bất bình đẳng trên thế giới.

Thế giới đã bắt đầu bước vào năm thứ 3 của Covid-19 và đại dịch được dự đoán là sẽ còn kéo dài với sự xuất hiện của biến chủng mới, sự suy yếu của vaccine, trong khi các biện pháp hạn chế đang ngày càng được nới lỏng.

“Phần lớn các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều nghĩ rằng SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại”, ông Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, Anh, cho biết.

“Con cháu của chúng ta vẫn sẽ nhiễm virus. Covid-19 sẽ là một phần lịch sử của chúng ta cho đến khi nó trở thành một loại cảm cúm thông thường”, ông nói.

Kể từ khi Covid-19 nổ ra, con người đã có những nỗ lực trong việc phát triển vaccine, truy vết nguồn lây nhiễm, phân tích bộ gene, các biện pháp ngăn chặn, và hợp tác quốc tế. Những biện pháp trên được xem là bộ công cụ hữu ích nhằm chấm dứt đại dịch càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, sau hơn 20 tháng, bộ công cụ đó vẫn chưa được sử dụng một cách tối ưu, theo CNN.

Andrea Taylor, trợ lý giám đốc tại Viện Y tế Toàn cầu Duke, cho rằng: “Vấn đề chính là chưa bao giờ có một kế hoạch nào ở cấp độ toàn cầu”.

Một số quốc gia có kết quả tốt hơn khi đối mặt với Covid-19 so với những quốc gia khác. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình kết thúc đại dịch trên toàn thế giới, các chuyên gia kêu gọi một cách tiếp cận toàn cầu mới, đặc biệt là về vaccine, phương pháp điều trị và chia sẻ thông tin.

Họ cho rằng nỗ lực như vậy là cách tốt nhất để nhanh chóng chấm dứt đại dịch, nếu không, con người vẫn có thể phải sống trong nỗi ám ảnh về Covid-19 trong năm 2022, hoặc thậm chí lâu hơn.

“Chúng ta biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu cứ áp dụng cách tiếp cận mang tính phân mảnh này. Chúng ta đang sống với hậu quả của điều đó”, bà Taylor nói.

Du khách đến từ Nam Phi được xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Schiphol, Hà Lan, ngày 30/11. Ảnh: AFP.

Công cụ chính yếu

Roberto Burioni, giáo sư vi sinh và virus học tại Đại học San Raffaele ở Milan, Italy, cho biết: “Công cụ đầu tiên mà chúng ta có là vaccine”.

Đây là lần đầu tiên thế giới có thể phát triển vaccine trong thời gian ngắn, với tất cả loại vaccine Covid-19 hiện hành đều có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh nặng. Kỷ lục trước đó trong việc phát triển vaccine là 4 năm.

Tuy nhiên, vaccine cần phải tiếp cận được càng nhiều người càng tốt, với đủ số lượng cần thiết.

“Những gì chúng ta cần đạt được là tiêm chủng rộng rãi. Nếu chúng ta có thể tiêm chủng cho một số lượng lớn người, loại virus này có thể vẫn lây truyền, nhưng sẽ không gây nhiều thiệt hại”, ông Burioni nói.

Cùng với nỗ lực không ngừng nhằm khuyến khích những người chưa được tiêm phòng tiêm liều đầu tiên, các nước giàu hiện tiến hành tiêm chủng cho học sinh và tiêm nhắc lại cho người đã nhận đủ 2 liều.

Nước Anh ngày 2/12 cũng đã công bố một thỏa thuận mua thêm 114 triệu liều vacine Pfizer để chủng ngừa cho 67 triệu công dân nước này trong năm 2022 và 2023. Đây là động thái mà nhiều quốc gia phát triển dự kiến thực hiện khi chuẩn bị cho một tương lai sống chung với Covid-19.

Trong khi đó, sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở châu Phi, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tiêm chủng cho các quốc gia nghèo hơn.

“Vẫn chưa có một kế hoạch nào ở cấp độ toàn cầu. Nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới có tỷ lệ tiêm vaccine thấp đến mức không thể chấp nhận được”, theo bà Taylor.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa đầy 8% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận được liều vaccine đầu tiên. Trong khi đó, 63,9% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một mũi.

Tiêm ngừa Covid-19 ở Katlehong, Nam Phi, tháng 10/2021. Ảnh: AP.

Ở cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, khoảng 70% người dân đã được tiêm ít nhất một mũi, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Hậu quả tiềm ẩn của sự chênh lệch đó là các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh ra toàn cầu. Hầu hết chúng đều lần đầu tiên được phát hiện ở những nơi từng trải qua các đợt bùng phát lớn, không được kiểm soát, và có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, chẳng hạn như Delta ở Ấn Độ vào tháng 2, và Omicron ở châu Phi.

“Sự bất bình đẳng về vaccine sẽ kéo dài đại dịch”, Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nhận định.

Cần thành lập các trung tâm sản xuất vaccine mới

Chương trình chia sẻ vaccine COVAX của WHO hồi tháng 9 đã dự báo rằng số liều vaccine được cung cấp cho các nước đang phát triển sẽ ít hơn 25% so với dự kiến ban đầu.

Bà Taylor cho rằng nguồn cung vaccine đến một cách không theo kế hoạch cũng là một vấn đề. Tại một số nước, có khi suốt ba tháng họ không nhận được liều vaccine nào, nhưng lại có lúc họ nhận được hàng triệu liều vaccine.

“Nguồn cung phải đến một cách có thể dự đoán được và đáng tin cậy”, bà Taylor nói.

Ông Head, người nghiên cứu về nguồn cung vaccine ở Ghana trong năm qua, nói thêm rằng khi nước này nhận được vaccine thông qua COVAX, số vaccine này thường gần hết hạn sử dụng, và chúng thường được vận chuyển trong điều kiện không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.

Ông kêu gọi thành lập các trung tâm sản xuất vaccine mới ở châu Phi để có thể thiết lập chương trình tiêm chủng đáng tin cậy hơn.

WHO cho biết sự chậm trễ trong việc giao vaccine của họ là do Johnson & Johnson không thể cung cấp vaccine theo đúng thời gian dự kiến ban đầu là vào tháng 9. Một số bất cập của nhà máy AstraZeneca ở Ấn Độ cũng đã gây ra các vấn đề về nguồn cung cho Anh và EU trong những tháng đầu năm 2020.

Điều này đã cho thấy tác động đáng kể khi mà toàn cầu chỉ dựa vào một vài cơ sở sản xuất vaccine.

Bà Taylor bổ sung: “Nguồn cung phải đi đôi với hỗ trợ tài chính để đảm bảo rằng những liều vaccine đó có thể đến tay người dân”.

Các quốc gia giàu có hơn cũng nên tài trợ cho nghiên cứu và thực địa cho các quốc gia khan hiếm vaccine, hai chuyên gia Head và Taylor đồng ý.

Các nhà khoa học tại một phòng thí nghiệm ở Nam Phi. Ảnh: AP.

Toàn cầu hóa vaccine

Bên cạnh đó, các chuyên gia kêu gọi sự lãnh đạo mang tính toàn cầu để đại dịch nhanh chóng kết thúc hơn.

“Chúng ta có những nhà lãnh đạo của riêng từng quốc gia, nhưng không thực sự có nhà lãnh đạo toàn cầu”, bà Taylor nói.

Ana García, giáo sư về y tế dự phòng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Valencia ở Tây Ban Nha, chia sẻ: “Chúng ta đã nói suốt về toàn cầu hóa trong thương mại, tài chính, du lịch. Đại dịch này nghiêm túc đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách toàn cầu như vậy”.

Ý kiến đó đã được các nhà lãnh đạo lặp đi lặp lại, nhưng các chuyên gia cho rằng thế giới vẫn chưa thật sự hành động.

Họ kêu gọi các quốc gia xích lại gần nhau để cùng chống chọi với Covid-19. WHO trong tuần này đã kêu gọi thành lập một hiệp ước toàn cầu để tránh những sai lầm tương tự nếu có đại dịch khác xảy ra.

“Omicron đã chứng minh lý do thế giới cần một hiệp định mới về đại dịch. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng của sự đoàn kết và chia sẻ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

“Một loại thỏa thuận pháp lý ràng buộc mà các quốc gia ký kết có thể cung cấp một kế hoạch phối hợp toàn cầu là những gì chúng ta thiếu hiện nay”, bà Taylor bổ sung.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều