Thế giới 5/9: Chủ tịch Trung Quốc không dự G20, đánh bom rúng động Myanmar
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố không tham dự Hội nghị G20, đánh bom nhằm vào khu nhà chính phủ tại Myanmar khiến hơn 11 người thương vong là những thông tin nổi bật trên thế giới ngày 5/9.
Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự G20
Trong cuộc họp báo chiều 4/9 (giờ Việt Nam), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, “Theo lời mời của chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Lý Cường sẽ dự hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 18 được tổ chức tại New Delhi ngày 9-10/9.”
Khi được hỏi rằng thông tin này có nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20 hay không, bà Mao nói “tôi vừa đưa ra thông báo về việc này”.
Theo bà Mao, Thủ tướng Lý Cường sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh, đồng thời nhấn mạnh G20 là diễn đàn quan trọng cho hợp tác kinh tế quốc tế.
Đánh bom tại Myanmar khiến hơn 11 người thương vong
Một vụ đánh bom ngày 3/9 nhằm vào khu nhà chính phủ ở thị trấn Myawady, bang Kayin của Myanmar, gần biên giới với Thái Lan đã khiến 5 quan chức chính phủ và nhân viên an ninh thiệt mạng.
Những người thiệt mạng bao gồm một sĩ quan quân đội, 2 sĩ quan cảnh sát và 2 quan chức địa phương. Vụ đánh bóm cũng khiến 11 cảnh sát bị thương. Chính quyền địa phương đã siết chặt an ninh sau khi vụ tấn công xảy ra.
Cho đến thời điểm hiện tại chưa có tổ chức nào thừa nhận tiến hành vụ tấn công. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đổ lỗi cho “Lực lượng phòng vệ nhân dân” và “Quân đội giải phóng quốc gia Karen” thực hiện vụ đánh bom.
Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43
Ngày 5/9, tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã chính thức khai mạc với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng”.
Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã chia sẻ những điểm nhấn quan trọng sẽ được đề cập trong cả đối nội và đối ngoại của ASEAN. Trong đó, cuộc khủng hoảng ở Myanmar, cùng với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, sẽ là những chủ đề thảo luận chính tại hội nghị.
Bà Retno nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vấn đề Biển Đông xuất hiện trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) hoặc Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây không phải là vấn đề mới đối với chúng tôi.”
Đối với vấn đề Myanmar, bà Retno thừa nhận, kỳ vọng giải quyết cuộc khủng hoảng này trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia là “quá lớn”, song khẳng định, ASEAN sẽ giữ nguyên 5PC làm nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.
Sứ mệnh ‘thuyết khách’ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Theo hãng thông tấn AP, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang nỗ lực thuyết phục Nga trở lại Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trong cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở thành phố Sochi bên bờ Biển Đen.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là một Thỏa thuận giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc được ký ngày 22/7/2022, cho phép xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ ba cảng chính của Ukraine ở Biển Đen vì cả lý do kinh tế và nhân đạo.
Moskva đã rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc từ tháng 7/2023, khiến châu Âu đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực trầm trọng. Sứ mệnh sắp tới của ông Erdogan – đối tác gần gũi của Nga tại châu Âu – được xem là vô cùng nặng nề với sự sống còn của không chỉ Ukraine mà là toàn bộ châu Âu.
Đông Duy