+
Aa
-
like
comment

The Edge: Điều gì ở Việt Nam và Singapore khiến thế giới phải học tập?

Bảo Trâm - 24/03/2021 08:19

Trang The Edge của Malaysia vừa có bài viết phân tích tình hình kinh tế tại Châu Á sau những khủng hoảng mà dịch Covid-19 gây ra. Từ đó, The Edge đưa ra nhận định rằng mặc dù thế mạnh kinh tế của Việt Nam và Singapore hoàn toàn khác nhau, vai trò của nhà nước tại Việt Nam và Singapore đã được thể hiện rõ rệt trong giai đoạn Covid-19 đáng để Malaysia cũng như các quốc gia khác trên thế giới học hỏi.

Theo The Edge, suốt thời gian vừa qua, truyền thông toàn cầu đã liên tục đưa ra các bài báo với tiêu đề “mọi thứ đã thay đổi” hay thậm chí “Covid-19 đã thay đổi thế giới hoàn toàn”. Điều này có thể thấy rõ ngay từ những can thiệp quy mô lớn của chính phủ các nước, lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, tình trạng thiếu lương thực, thất nghiệp, đến nhu cầu về khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn tăng vọt. Covid-19 có lẽ là sự kiện đầu tiên mà tất cả mọi người, bất kể ở vị thế nào trong xã hội, thì đều chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Tại khu vực ASEAN, đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Năm 2020, nhiều nền kinh tế đã chứng kiến GDP giảm từ 4% đến 7%, thậm chí một số khu vực còn giảm gần mức 20%. Điển hình như trong quý 2/2020, nền kinh tế Malaysia suy giảm 17,1%.

GDP Châu Á 2020

Bất chấp tất cả những thách thức kể trên, thành tích của khu vực trong việc chống dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia khác trên toàn cầu phải ghen tỵ. So với các nước phương Tây, ASEAN có tỷ lệ lây nhiễm thấp, cùng với những hợp tác nội khối đã duy trì tăng trưởng nền kinh tế mạnh mẽ.

Giữa tâm dịch, ASEAN là nhân tố quan trọng trong việc hình thành khối thương mại lớn nhất thế giới cho đến nay, điển hình đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP chính thức được ký kết vào tháng 11 năm ngoái. Với thị trường 2,2 tỷ người dân, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD, Hiệp định RCEP đã chứng minh sự phát triển của ASEAN cùng các liên kết mới với Trung Quốc và Nhật Bản.

Song, khi vaccine được triển khai trên toàn thế giới, trật tự cũ lại một lần nữa được tái hiện: các quốc gia phát triển sẽ đảm bảo nguồn cung trong nước trước. Trong khi tại các quốc gia khác, hệ thống chăm sóc sức khoẻ, cũng như cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn để xử lý khâu hậu cần liên quan đến phân phối và bảo quản vaccine vẫn còn non yếu. Tại ASEAN, chỉ mới vài quốc gia bắt đầu triển khai vaccine, bao gồm Malaysia, Singapore và Indonesia.

Không thể phủ nhận thế giới đã thay đổi. Tuy nhiên, thách thức hiện tại là liệu các quốc gia có thể rút ra những bài học từ những thay đổi đó hay không. Bởi với trạng thái bình thường mới như hiện nay, doanh nghiệp không thể tiếp tục lựa chọn cách thức kinh doanh như cũ.

Đại dịch Covid-19 cũng đã làm lộ điểm yếu của nhiều nền kinh tế trên thế giới, từ những bấp bênh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đến những quan niệm rằng thị trường tự do có thể giải quyết mọi nhu cầu xã hội tốt hơn so với thị trường có sự can thiệp sâu của nhà nước.

Trong bối cảnh đầy tính bất định như thời gian qua, vai trò của nhà nước đã được thể hiện rõ rệt, điển hình là tại các quốc gia khu vực ASEAN như Việt Nam và Singapore, mặc dù thế mạnh kinh tế 2 quốc gia này hoàn toàn khác nhau.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy những thay đổi trên thị trường toàn cầu, điều mà trước đó các quốc gia phải mất nhiều thập kỷ. Cụ thể, Covid-19 đã cho thấy sự cần thiết phải thay đổi trong 10 nhân tố lớn dưới đây:

Doanh nghiệp: Đại dịch đã cho thấy những sai lầm của loạt doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khi nhiều tổ chức và lượng lớn lực lượng lao động gặp rủi ro trong thời gian qua. Theo đó, doanh nghiệp cần đưa ra kế hoạch ngăn chặn các cú sốc, đáp ứng nghĩa vụ đối với người lao động.

Trong giai đoạn đại dịch, chi tiêu công đã được tận dụng nhiều hơn bao giờ hết

Chính sách tiền tệ: Trong giai đoạn đại dịch, chi tiêu công đã được tận dụng nhiều hơn bao giờ hết. Chính phủ các nước đã chi hàng tỷ USD để kích thích nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, xu hướng này nên tiếp tục nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số quốc gia.

Các chỉ tiêu tăng trưởng: Nhìn chung, các chỉ tiêu tăng trưởng cũ đã không còn đánh giá chính xác tình hình kinh tế. Thay vào đó, các chỉ số như số lượng việc làm, khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản và mục tiêu bền vững lại được đánh giá cao hơn.

Mô hình thị trường: Trong giai đoạn đại dịch, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến y tế, chẳng hạn như máy thở, thiết bị bảo vệ cá nhân đã gặp phải tình trạng thiếu hàng trầm trọng. Như vậy, khu vực tư nhân cần phải tự định hướng theo thay đổi nhu cầu trên thị trường thay vì chờ hỗ trợ từ chính phủ.

Đưa ra quy định mới cho nền kinh tế Gig: Nền kinh tế Gig là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.

Nền kinh tế Gig

Trong nền kinh tế Gig, một lượng lớn người làm việc bán thời gian hoặc tạm thời. Kết quả của một nền kinh tế Gig là các dịch vụ rẻ hơn, hiệu quả hơn như Uber, Grab hoặc Airbnb cho những người sẵn sàng sử dụng chúng.

Nền kinh tế Gig đã phát triển mạnh kể từ khi đại dịch xảy ra. Song, vẫn chưa có quy định nào kiểm soát chất lượng, tính an toàn và bảo mật của các dịch vụ trong nền kinh tế này.

Lực lượng lao động thiết yếu: Điển hình trong nhóm lao động này là tài xế giao hàng, nông dân, nhân viên siêu thị…Khi người dân trên thế giới thực hiện giãn cách xã hội và giữ an toàn tại nhà, thì đây là lực lượng vẫn phải lao động. Tuy nhiên, những bù đắp dành cho họ vẫn chưa xứng đáng và cần phải thay đổi.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cầu Tre – doanh nghiệp được một tập đoàn Hàn Quốc.

Sắp xếp lại các ưu tiên phát triển: Nhiều quốc gia đang tập trung tăng trưởng kỹ thuật số. Song, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của các dịch vụ cơ bản như nước, vệ sinh, điện…Liệu ASEAN sẽ tái tập trung các ưu tiên như thế nào giai đoạn hậu Covid-19?

Xây dựng lại hệ thống lương thực: Đại dịch cũng chỉ ra những sai sót sâu sắc trong hệ thống lương thực thực phẩm. Đặc biệt, liệu các quốc gia trong khu vực ASEAN có đủ khả năng tự chủ trong thời kỳ khủng hoảng?

Apple sẽ dịch chuyển sản xuất về Việt Nam trong thời gian tới.

Áp dụng mạnh mẽ các chính sách về môi trường: Đại dịch đã phần nào nâng cao ý thức của người dân về môi trường. Sự phục hồi nhanh chóng của tự nhiên giúp các quốc gia khu vực ASEAN có thêm động lực để áp dụng mạnh mẽ hơn các chính sách vì môi trường.

Chuyển dần trục sản xuất ra khỏi khu vực phương Tây: Nhiều nước bên ngoài phương Tây đã chứng minh khả năng trong việc kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc họ không còn phụ thuộc lớn vào phương Tây nữa. Vậy ASEAN đang đứng ở đâu trong định vị toàn cầu hiện nay?

Bảo Trâm (Lược dịch theo The Edge)

Bài mới
Đọc nhiều