The Economist: Đâu là trọng tâm cuộc thảo luận của Phó Tổng thống Mỹ khi sang Việt Nam?
Trang The Economist vừa có bài viết nói về tình những vấn đề trọng tâm về chính trị và kinh tế trong chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong tháng tám.
Nhà Trắng mới đây thông báo, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam trong tháng tám. Chuyến thăm này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự tham gia của Mỹ với Đông Nam Á. Bà Harris sẽ là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Biden tới thăm khu vực.
Theo đó, thông báo về chuyến thăm của bà Harris đi cùng việc Tổng thống Biden đề cử ông Jonathan Kaplan (từng sáng lập, làm giám đốc điều hành một số công ty công nghệ, hiện là tổng giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ EducationSuperHighway) làm đại sứ Mỹ tại Singapore.
Điều này cho thấy rõ rằng ngoài những vấn đề về chính trị, chống dịch Covid-19 thì vấn đề về hợp tác kinh tế, công nghệ với Việt Nam, Singapore sẽ là ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế để xử lý vấn đề an ninh mạng, thương mại kỹ thuật số, theo The Economist.
Đặc biệt, theo The Economist, vấn đề kinh tế quan trọng liên quan đến Intel, Ford, Apple… sẽ được thảo luận khi Phó Tổng thống Mỹ sang Việt Nam lần này.
Theo Economist, sự thiếu hụt chất bán dẫn đã làm tăng giá trị của các công ty cung cấp chip cho mọi sản phẩm, từ máy trò chơi điện tử, đến ngành học máy và trung tâm dữ liệu, như công ty Nvidia.
Nhưng cơ hội bùng nổ cho người bán đồng nghĩa với sự khốn khổ về phía người mua. Các nhà sản xuất ô tô, là một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Lợi nhuận của Ford, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Mỹ, tính theo sản lượng, đã giảm một nửa trong quý gần đây nhất, trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp ô tô Mỹ, có thể sẽ chỉ sản xuất được chưa tới 5 triệu sản phẩm trong năm nay, vì thiếu hụt những thành phần nhỏ nhất – như chip. Tất nhiên, các nhà sản xuất ô tô không phải là công ty duy nhất rơi vào tình cảnh khó khăn. Apple và Microsoft cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ bị ảnh hưởng, Trang Economist cho biết.
Các chính trị gia cũng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Chuỗi cung ứng liên quan đến chip sẽ hiện diện trong chương trình nghị sự vào cuối tháng này, khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, đến thăm Việt Nam, nơi có ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho biết, các nỗ lực ban đầu của chính quyền Biden trong việc tham gia với Đông Nam Á đã bị gián đoạn bởi sự cố kỹ thuật khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tham dự cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN.
Theo ông Carlyle Thayer, Phó Tổng thống Harris cũng sẽ cũng sẽ gia tăng nỗ lực chung để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và mối quan hệ mạnh mẽ về văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Mỹ và Đông Nam Á.
“Phó Tổng thống Harris sẽ mở rộng sự tham gia của Mỹ với Đông Nam Á ra ngoài lĩnh vực an ninh-quốc phòng, sang một chương trình hợp tác lớn hơn nhằm đối phó các thách thức xuyên quốc gia mang tính toàn cầu”, GS Thayer nhận định.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm của Phó tổng thống Harris tới Singapore và Việt Nam vào cuối tháng 8 này có ý nghĩa quan trọng trong việc nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với ASEAN.
Trong chuyến thăm, Mỹ có thể cam kết cung cấp thêm vaccine phòng Covid-19 cho các nước Đông Nam Á đang bị đại dịch tấn công dữ dội. Theo ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines hồi cuối tháng 7 nhằm thể hiện cho các nước Đông Nam Á thấy rằng, Mỹ thực sự muốn tương tác với họ. Bộ trưởng Austin đã chuyển đi thông điệp đó và Phó Tổng thống Harris sẽ làm tương tự, chuyên gia Hiebert nhận định.
Bảo Trâm (Theo The Economist)