The Economist: Có một Việt Nam sáng chói trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu
Những tưởng Trung Quốc sẽ luôn là điểm đến hàng đầu của thế giới, nhưng có những bất ngờ ập đến khiến cả thế giới điêu đứng vì chuỗi cung ứng đứt đoạn. Việt Nam bỗng trở thành cái tên sáng chói với đầy đủ những yếu tố về nhân công, môi trường làm việc, nhất là yếu tố an toàn mà không quốc gia nào có thể có, tờ Economist nhận xét trong bài viết sáng 20/7.
Theo Economist, giờ đây Việt Nam được cả thế giới xem là nơi trú ẩn an toàn bậc nhất thế giới trước dịch bệnh, trước cả cuộc chiến công nghệ, thương mại Mỹ-Trung.
Việt Nam đã nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nền kinh tế tuy bị ảnh hưởng nhiều, nhưng lại đang bật trở lại mạnh hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam chính là một trong số ít các quốc gia có khả năng tăng trưởng dương trong năm 2020.
Trước đó, Việt Nam vốn dĩ đã là một điểm đến ưa thích cho đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đặc biệt là trong ngành dệt may. Nhưng sau đại dịch, Việt Nam đã bật sáng, trở thành một liên kết chính trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Giờ đây, Việt Nam không chỉ là con cưng của các công ty đa quốc gia, mà còn được yêu thích bởi các nhà đầu tư tại thị trường cận biên. Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của thương mại thế giới trong những thập kỷ gần đây, giờ đây tiếp tục hưởng lợi từ sự sụp đổ của toàn cầu hóa, theo Economist.
Giữ được an toàn, nền kinh tế dần trở lại ổn định đã giúp Việt Nam tăng thêm sức hấp dẫn. Ngân hàng trung ương đã giữ đồng nội tệ khá ổn định so với đồng USD, thắt chặt tín dụng ngân hàng. Lạm phát đã duy trì ở mức tương đối thấp. Theo Economist, đây là những ưu điểm mà khó có quốc gia nào có ở thời điểm hiện tại.
Giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành, Việt Nam vẫn phê chuẩn EVFTA, đem lại vô vàn lợi ích cho nền kinh tế nội địa,, hơn hết là trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài phát triển. Cộng thêm việc Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới từ 2007, Việt Nam đã trở thành nơi ẩn náu tuyệt vời cho các doanh nghiệp trong cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Mỹ-Trung.
The Economist đưa ra nhận xét rằng, chiến lược kinh tế của Việt Nam hiện tại khá giống với những gì Trung Quốc đã từng làm: rất nhiều FDI, xuất khẩu kéo tăng trưởng, thâm nhập sâu vào các chuỗi giá trị từ dệt may đến công nghệ. Tuy nhiên điều khiến Việt Nam hoàn toàn đặc biệt chính là nền kinh tế phát triển nhanh, đô thị hóa nhanh, cải thiện cơ sở hạ tầng tốt và tầng lớp trung lưu đang mở rộng.
Cũng theo Economist, Việt Nam đang dần sáng chói trong mắt các tập đoàn toàn cầu, nhưng bản chất định hướng thương mại của mô hình kinh tế sẽ khiến Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các sự kiện ở nơi khác. Ví dụ như vẫn còn những căng thẳng về dịch bệnh ở Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, đây chỉ là một khuyết điểm nhỏ nhoi sẽ dần được khắc phục ở thì tương lai. Còn hiện tại, Việt Nam chính là quốc gia an toàn bật nhất để các ông lớn trên thế giới chọn là điểm đến cho việc dịch chuyển cung ứng sản xuất.
Bảo Trâm (Lược dịch theo The Economist)