Thể chế trọng người tài chọn ra những cá nhân vừa đức vừa tài
Triết lý “Đức trị” đề cao sự gương mẫu, liêm chính của các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công. Thể chế trọng người tài là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để kiểm soát quyền lực – TS Nguyễn Văn Đáng chia sẻ.
Về nhân sự tại Đại hội Đảng 13 sắp tới, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín”. Vậy làm sao chọn được những người có tài, có đức? Để có được câu trả lời cho câu hỏi có tầm quan trọng bậc nhất này, theo TS Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần trước hết tìm hiểu rõ tổ chức quyền lực nhà nước, việc giám sát quyền lực và thể chế “trọng người tài”.
TS Nguyễn Văn Đáng cho biết:
Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia khu vực Đông Á, vốn có truyền thống tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất. Trong mô hình này không có sự tách bạch rạch ròi giữa cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp như ở nhiều nước phương Tây; chính quyền trung ương kiểm soát chặt chẽ chính quyền địa phương, cũng như các hoạt động đối nội và đối ngoại.
Nhà nước là một thực thể thống nhất, bao gồm nhiều thành tố bộ phận cấu thành. Để bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước, sự gắn kết giữa các thành tố bộ phận được đề cao. Các cơ quan nhà nước vận hành theo chức năng và nhiệm vụ được giao; không một chủ thể nào có thể tuyên bố tư cách độc lập đại diện cho quyền lực nhà nước như ở các quốc gia theo mô hình liên bang.
Trong cấu trúc tổ chức như vậy, luôn có một chủ thể hạt nhân nắm giữ và điều phối quyền lực nhà nước. Đây là một truyền thống chính trị khá bền vững dựa trên các nền tảng văn hóa và thể chế lâu đời ở Đông Á, được củng cố thêm bởi nhu cầu giành lại và bảo vệ nền độc lập quốc gia từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cũng như nhu cầu phát triển quốc gia từ nửa sau thế kỷ 20.
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đảm nhiệm vai trò hạt nhân quyền lực trong hệ thống chính trị. Gần đây, “kiểm soát quyền lực” trở thành chủ đề được thảo luận rộng rãi kể từ sau nghị quyết Trung ương 4 khóa 12. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị cũng đã ban hành quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.
Giám sát quyền lực
PV: Trên thế giới có những hình thức kiểm soát quyền lực như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Đáng: Mỗi mô hình thể chế nhà nước lại có những nguyên tắc kiểm soát quyền lực đặc trưng. Các cấu trúc tổ chức nhà nước ở các nước phương Tây đề cao sự phân tán quyền lực; coi trọng các nguyên tắc cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa ba chủ thể quyền lực nhà nước. Bản thân mô hình này thì mức độ phân tán và kiểm soát lẫn nhau cũng khác nhau giữa các mô hình chính thể (tổng thống hoặc bán tổng thống).
Với cấu trúc quyền lực nhà nước thống nhất theo truyền thống Đông Á thì quyền lực hệ thống luôn được kiểm soát bởi một hạt nhân trung tâm nào đó. Bởi vậy, kiểm soát quyền lực trong một cấu trúc như vậy nên được hiểu chính xác là “Giám sát quyền lực” theo nghĩa chủ thể trung tâm quyền lực nhà nước thực hiện các phản ứng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực, từ bên trong ra bên ngoài, từ hạt nhân đến bộ phận, từ trung ương xuống đến địa phương.
“Đức trị” đề cao sự gương mẫu, liêm chính
PV: Đâu là chiến lược kiểm soát quyền lực phù hợp với các hệ thống quyền lực nhà nước thống nhất?
TS Nguyễn Văn Đáng: Khi đề cao sự thống nhất và tập trung quyền lực nhà nước thì “Đức trị” sẽ là chiến lược kiểm soát quyền lực luôn được ưu tiên. Bản chất của triết lý “Đức trị” là đề cao sự gương mẫu, liêm chính của các nhà lãnh đạo – quản lý khu vực công, tức là khả năng tự kiểm soát hành vi của cá nhân. Mỗi khi được bổ nhiệm vào các vị trí công quyền, cá nhân được mong đợi sẽ là tấm gương về tuân thủ các chuẩn mực để có thể thực hiện nhất quán các chiến lược, mục tiêu do hạt nhân quyền lực đề ra.
Tuy nhiên, thách thức của triết lý Đức trị là các hạt nhân quyền lực hệ thống không thể chủ động kiểm soát hoàn toàn ý muốn hay lợi ích của các cá nhân nắm giữ quyền lực. Tức là khả năng kiểm soát quyền lực luôn bị động do phụ thuộc vào chủ quan cá nhân thường bị chi phối bởi muôn vàn yếu tố mà trung tâm quyền lực không thể kiểm soát hết.
Chọn người vừa đức vừa tài
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục những hạn chế nêu trên?
TS Nguyễn Văn Đáng: “Thể chế trọng người tài” chính là một lựa chọn phù hợp với nguyên tắc hệ thống đề cao sự tập trung và thống nhất của quyền lực nhà nước. Sở dĩ vậy bởi một niềm tin rằng những người tài năng thì thường có đam mê làm việc, cống hiến, phục vụ cộng đồng. Bởi thế họ sẽ có ý thức và khả năng tự kiểm soát hành vi, hạn chế được tính ích kỷ cá nhân.
Theo đó, chủ thể giữ vai trò hạt nhân quyền lực của hệ thống quản trị phải thiết lập được quy trình phát hiện, đào tạo, lựa chọn, và sử dụng nhân sự khu vực công chặt chẽ, hiệu quả để có thể chọn ra được những cá nhân “vừa đức vừa tài”, với khả năng tự kiểm soát hành vi tốt nhất.
Về bản chất, thể chế trọng người tài là một quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt thăng tiến nhân sự khu vực công dựa trên năng lực cá nhân, sự thể hiện trong công việc, và những đóng góp thực tế của cá nhân thay vì các yếu tố ngoài chuyên môn như giới tính, dân tộc, truyền thống gia đình, tôn giáo, tuổi, quan hệ cá nhân, hay sự nổi danh trong xã hội.
Thể chế trọng người tài giúp nhà nước thu hút và khuyến khích những người có năng lực phát huy tối đa khả năng để đóng góp cho nhà nước, qua đó bồi đắp sự chính danh cũng như quyền uy của nhà nước và chủ thể giữ vai trò hạt nhân quyền lực.
PV: Với cấu trúc quyền lực nhà nước thống nhất, nếu không thiết lập được thể chế trọng người tài thì hệ quả sẽ thế nào?
TS Nguyễn Văn Đáng: Đặc trưng cấu trúc quyền lực của hệ thống cho thấy thể chế trọng người tài là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để kiểm soát quyền lực khu vực công. Tức là chúng ta phải đặt lòng tin vào khả năng tự kiểm soát của đội ngũ cán bộ công quyền “vừa đức vừa tài”.
Còn nếu không thiết lập được “thể chế trọng người tài” thì khu vực công có thể sẽ phải chấp nhận đội ngũ cán bộ yếu kém cả về năng lực và đạo đức. Nếu vậy, chúng ta sẽ phải đối diện một số nguy cơ như: hệ thống chính trị xa rời quần chúng, bộ máy hành chính quan liêu, yếu kém trong hoạch định và thực thi chính sách, hay tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng… do sự lạm quyền của những cá nhân hoặc nhóm vị kỷ. Tất cả những vấn đề này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhất là sự suy giảm lòng tin của người dân vào các thể chế công, khởi nguồn cho những rối loạn và bất ổn xã hội.
Hiền Anh/VNN