Thể chế chính trị Nga không phải là khuôn mẫu để áp đặt lên Việt Nam
Lợi dụng chuyến thăm nước Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam Thời Báo đặt ngay câu hỏi tại sao Việt Nam không đa nguyên đa đảng như Nga. Thậm chí, còn ám chỉ rằng, Việt Nam theo mô hình một Đảng cầm quyền vì Đảng cộng sản sợ mất quyền lợi.
Họ cho rằng Liên Xô sụp đổ nhưng Nga vẫn là một cường quốc hùng mạnh, và nước Nga vẫn kế thừa được địa vị và sức mạnh. Họ ra sức tán dương mô hình có vẻ như “tam quyền phân lập” của nước Nga, và nhấn mạnh Đảng cộng sản Nga vẫn tiếp tục phát triển, bình đẳng cạnh tranh với Đảng thống nhất Nga của Tổng thống Putin. Từ đó họ ám chỉ rằng Việt Nam nên đi theo đa đảng vì “đa nguyên chính trị không làm nước Nga yếu đi.”
Trước hết cần nhấn mạnh sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa địa chính trị, và là một mất mát lớn với người Nga chứ không phải “không yếu đi”. Từ chỗ là một Liên bang rộng lớn với 15 nước cộng hòa, đầy đủ các nền văn hóa trong một xã hội đa dạng, đầy rẫy tài năng, nay nước Nga chỉ còn đứng một mình. Dù được kế thừa nhiều tài sản và thành tựu của Liên Xô trước đây, cùng tiềm lực mạnh nhờ lãnh thổ quốc gia rộng lớn, nhưng nước Nga đã bị tụt lại phía sau quá xa và không thể nào so sánh với Liên Xô trước đây cạnh tranh vị trí số 1 với nước Mỹ về mọi mặt từ vũ khí, thể thao đến khoa học công nghệ. Tổng thống Putin cũng như nhiều người Nga luyến tiếc Liên Xô, nhưng cũng thừa nhận là không thể nào quay trở lại như cũ nữa: “Ai không tiếc nhớ Liên Xô, người đó không có trái tim; Ai muốn khôi phục Liên Xô thì người đó không có cái đầu”. Dù nước Nga ngày nay vẫn hùng mạnh, nhưng nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô không ảnh hưởng gì đến nước Nga thì quả là ngây thơ, thiếu hiểu biết.
Trong khi ra sức tán tụng thể chế chính trị của Nga, Việt Nam Thời Báo quên mất nước Nga cùng với Trung Quốc bị coi là những địch thủ của Mỹ và phương Tây về phương diện địa chính trị. Nước Mỹ khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh dân chủ mới đây không mời nước Nga. Các cuộc bầu cử tại nước Nga thường xuyên bị phương Tây chỉ trích là thiếu dân chủ. Họ cũng mỉa mai việc Tổng thống Putin cầm quyền quá lâu, dù Thủ tướng Đức cũng vừa mới khép lại nhiệm kỳ 16 năm, không thua ông Putin là mấy. Không ai lạ gì Việt Nam Thời Báo vốn “thần tượng” nước Mỹ, vì thế ý đồ của việc họ “tán tụng” nước Nga chẳng qua chỉ là để che đậy âm mưu muốn Việt Nam thay đổi thể chế chính trị của mình, gây chia rẽ trong nội bộ.
Đối với vấn đề đa nguyên, đa đảng, chúng ta có thể đọc lại chia sẻ của chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời ông còn là Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010. Tổng Bí thư lúc đó đã phát biểu như sau: “Tôi nghĩ không phải là nhiều đảng thì nhiều dân chủ hơn, hai đảng có ít dân chủ hơn, mà một đảng thì lại có ít dân chủ nữa. Mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không. Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Không nhất thiết là kinh tế thị trường thì phải đa đảng. Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng”.
Đúng như vậy, mục tiêu chính của mỗi hệ thống chính trị là làm cho đất nước phát triển, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc. Mục tiêu này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và những thành tựu phát triển của đất nước thời gian qua đã là những minh chứng rõ nét. Sự thay đổi về hệ thống chính trị, nếu có, phải bắt nguồn từ chính bên trong, và ở Việt Nam là “chưa cần thiết đa đảng” như Tổng bí thư đã nói. Việc áp đặt nước này phải theo nước kia chỉ mang đến những hậu quả nghiêm trọng, như từng thấy qua các cuộc chiến tranh reo rắc “dân chủ, tự do, thay đổi thể chế” ở Lybia, Syria, Iraq. Ngay như nước Nga dù chọn cho mình một thể chế chính trị “có vẻ” đa đảng, họ cũng chưa từng được phương Tây dành cho sự tôn trọng chính trị đáng phải có. Vậy thì Việt Nam thay đổi để làm gì?
Việt Nam Thời Báo đã đặt ra một vấn đề lệch lạc, sử dụng những thông tin lệch lạc và sau cùng là đưa ra những lập luận hết sức ngây ngô. Nếu muốn xúi giục, kích động và gây chia rẽ nội bộ của Việt Nam thì họ chỉ có thể chuốc lấy thất bại.
An Diễm