Thẻ căn cước công dân gắn chip có thay thế các loại giấy tờ?
Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thay thế được các giấy tờ trong giao dịch hành chính hay không là thắc mắc của nhiều người dân.
Cụ thể, người dân thắc mắc rằng, khi tham gia giao thông hoặc thực hiện các giao dịch hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để thay thế các giấy tờ này không.
Trước đó, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, thẻ căn cước công dân sử dụng chip điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch.
Thẻ này độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn.
Thẻ có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và loại thẻ này phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ căn cước công dân mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác…
Đáng chú ý, khi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ.
Người dân chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Trong khi đó, trên Cổng thông tin Bộ Công an cũng nêu, căn cước công dân gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Thời gian tới khi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Ngoài ra, việc tích hợp chip trên căn cước công dân gắn chip đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an.
Dữ liệu trên chip có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.
Đề án cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được Bộ Công an ban hành và Chính phủ thông qua.
Theo đó, cảnh sát toàn quốc sẽ cấp cho khoảng 50 triệu người đủ từ 14 tuổi trở lên, loại thẻ căn cước này.
Theo đó, đến ngày 1.7.2021, 50 triệu công dân sẽ được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.
VIỆT DŨNG/LĐO