Thay vì nổ súng, TQ có thể dùng J-10 mượn tay một nước thứ ba để khiến Ấn Độ nơm nớp lo sợ
Theo MW, thay vì xung đột vũ trang trực diện với Ấn Độ sau những căng thẳng gần đây, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách củng cố cho mặt trận thứ hai chống New Delhi.
Trung Quốc có thể cho “nghỉ hưu sớm” J-10A/B
Không quân Pakistan đã đầu tư đáng kể để nâng cấp lực lượng máy bay chiến đấu trong thập kỷ qua. Nỗ lực hiện đại hóa của họ tập trung vào các thỏa thuận mua sắm tiêm kích thế hệ 4 JF-17 Block 2 và một số lượng nhỏ các tiêm kích F-16C/D Fighting Falcon với vai trò bổ trợ.
Không đoàn của Pakistan hiện nay gồm các tiêm kích hạng nhẹ một động cơ, chiếm số lượng lớn trong đó là các tiêm kích thế hệ hai Mirage III, Mirage 5 và tiêm kích thế hệ ba J-7. Các máy bay này đã có từ những năm 1960 hoặc sớm hơn và mới chỉ được nâng cấp chút ít từ khi được đưa vào biên chế tới nay.
Ngoại trừ JF-17 được thiết kế để ưu tiên chi phí vận hành thấp, Pakistan dường như không có ké hoạch đưa thêm tiêm kích thế hệ 4 mới nào vào trang bị trong tương lai gần, bất chấp lực lượng máy bay chiến đấu của họ hiện nay đang trở nên lỗi thời, và Ấn Độ – quốc gia láng giềng – đang đầu tư mạnh mua số lượng lớn tiêm kích thế hệ 4 và 4+.
Theo tạp chí MW, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách củng cố năng lực quân sự của Islamabad và gánh vác phần lớn chi phí phát triển cho các chương trình vũ khí như JF-17 dù không sử dụng mẫu máy bay này thì có khả năng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Pakistan một mẫu máy bay chiến đấu hiện đại song song với việc tiếp tục hỗ trợ chương trình JF-17.
Trung Quốc đã đưa tiêm kích J-10 vào biên chế trong năm 2006. Khả năng của nó được đánh giá là ngang ngửa mẫu F-16C Fighting Falcon của Mỹ dù nhỉnh hơn một chút nhờ tỷ lệ sử dụng vật liệu composite cao hơn cho khung thân nhẹ hơn, động cơ mạnh mẽ hơn và được lắp đặt các tên lửa không-đối-không vượt trội.
J-10 còn trang bị hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại. Theo một số báo cáo, tỷ lệ lực đẩy/khối lượng của J-10 cao hơn F-16 và thậm chí thuộc hàng “cao nhất trên thế giới”.
Năm 2006, có thông tin Pakistan quan tâm tới phiên bản J-10B. Thông tin tương tự xuất hiện vào năm 2009, 2011 và 2012. Nếu trang bị thêm J-10 thì Pakistan sẽ có hai mẫu tiêm kích thế hệ 4 do Trung Quốc sản xuất trong biên chế. Tuy nhiên, mức độ nghiêm túc của Pakistan đối với J-10 không mấy rõ ràng. Tới năm 2016, có thông tin triển vọng của thỏa thuận này đã chấm dứt.
Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thành Đô của Trung Quốc đã tạm ngưng sản xuất phiên bản J-10A và B để chuyển sang phiên bản J-10C. Do J-10C đang được sản xuất hàng loạt và đã chứng minh khả năng tác chiến cao trước các đối thủ như Su-35 trong các cuộc tập trận nên nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã chủ trương cho “nghỉ hưu sớm” hai mẫu J-10A/B.
Do đó, theo MW, cơ hội Trung Quốc bán J-10A cho Pakistan đã tăng lên. Nếu điều này được thực hiện thì J-10A sẽ là mẫu tiêm kích mạnh nhất trong biên chế Pakistan, đối thủ duy nhất của nó chỉ là phiên bản F-16C mới nhất đang được Pakistan triển khai với số lượng nhỏ.
J-10 sẽ phù hợp với không đoàn của Pakistan do vai trò và khả năng hoạt động của nó tương tự như F-16, trong khi lại dùng các loại đạn dược tương tự JF-17.
Pakistan liệu có mua J-10A/B?
Mặc dù đây sẽ là đề nghị hấp dẫn nhưng MW cho rằng, vẫn có một số lý do khiến Pakistan có thể không tiến tới J-10A.
Các tiêm kích thế hệ 4 thường nặng hơn và có chi phí tốn kém hơn so với các tiêm kích thế hệ 2 và 3 (JF-17 là ngoại lệ phần nào). Bên cạnh đó, J-10 chỉ có thể là tiêm kích mạnh nhất trong biên chế Pakistan cho tới khi JF-17 Block III 4+ được đưa vào trang bị.
Phiên bản mới của JF-17 có động cơ yếu hơn và khả năng nghèo nàn hơn J-10A nhưng nó được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) và tiếp cận với tên lửa PL-15 tiên tiến… [nhiều công nghệ tích hợp trên J-10C], trong khi lại có chi phí vận hành thấp hơn nhiều và có thể được sản xuất ngay tại Pakistan.
Hiện vẫn chưa rõ chắc chắn liệu Trung Quốc có để J-10A/B “nghỉ hưu sớm” hay không và liệu Pakistan có quan tâm tới chúng hay không, nhưng có thể nói rằng chương trình JF-17 Block III sắp tới hứa hẹn sẽ mang lại một mẫu chiến đấ cơ có hiệu quả chi phí lớn hơn J-10 A/B, trong khi lại vượt trội hơn về năng lực tác chiến không-đối-không.
Nếu xung đột với Trung Quốc, tiêm kích có giá “cắt cổ” từ Pháp cũng không giúp nổi Ấn Độ?
Tuy nhiên, theo MW, điều đó không có nghĩa Pakistan sẽ không mua sắm các tiêm kích mới hoặc đã qua sử dụng của Trung Quốc trong tương lai gần bởi có một số vai trò mà JF-17 Block III không thể đáp ứng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Ấn Độ đang đầu tư vào các loại máy bay chiến đấu rất tiên tiến như Su-57 và MiG-35 thì Pakistan có thể sẽ muốn tìm kiếm một loại chiến đấu cơ thế hệ 4++ tiên tiến hơn từ Trung Quốc.
(Theo TQ)