+
Aa
-
like
comment

Thầy thuốc sẽ không bao giờ chùn bước

23/03/2020 21:26

Thế là một trong những điều không mong muốn đã xảy ra trong mùa dịch bệnh này, đó là đã có 1 bác sỹ và 2 nhân viên y tế  nhiễm “Cô Vy”.

Các y bác sỹ truyền thông điểm khuyên người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường.

Đó là hai nữ điều dưỡng: một phụ nữ 54 tuổi làm ở phòng khám ngoại trú HIV, nữ điều dưỡng kia kém chị 20 tuổi – người tiếp đón bệnh nhân ở Phòng khám sàng lọc. Hai đơn vị này đều thuộc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Sáng hôm nay (23/3), Bộ Y tế đã công bố thêm 3 trường hợp nhiễm “Cô Vy” tại nước ta, trong đó, bệnh nhân số 116 (BN116) là bác sĩ khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, cụ thể, BN116 là nam, 29 tuổi. BN116 tham gia chống dịch “Cô Vy” từ 31/1/2020 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm”Cô Vy” đến Bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Thực tế cho thấy, các bác sỹ, nhân viên y tế luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh. Nếu như bác sĩ là người chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị bệnh thì điều dưỡng viên là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân để đạt kết quả phục hồi tối đa. Không chỉ là cánh tay hỗ trợ bác sĩ trong cuộc chiến với bệnh tật, điều dưỡng viên còn là cầu nối giữa bệnh viện và bệnh nhân, truyền tải tâm tư người bệnh để bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời trong mùa dịch này.

Các bác sỹ, y tá bệnh viện Nhi đồng 2 cùng nhau truyền thông điệp.

Điều dưỡng Nguyễn Hồng Nhung, công tác tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) có thâm niên 14 năm đã nghẹn ngào chia sẻ: Thời điểm có dịch nhiều ngày đã không về nhà. Không phải mình chị, mà tất cả các bác sĩ và chị em điều dưỡng đều thế. Mọi người đều chung cảnh nhớ con, lo cho gia đình và người bệnh. Có những điều dưỡng ở đây vất vả lắm, con mới chỉ hơn tuổi, vừa dứt sữa là phải xa con rồi. Tối đến, các chị quây quần với nhau chỉ để ngắm con qua ảnh, con chưa ngủ thì còn được nghe tiếng bập bẹ của con qua màn hình gọi về nhà.

Với điều dưỡng Nhung, chăm sóc bệnh nhân là chuyên môn nhưng đối với bệnh nhân nhiễm “Cô Vy”, họ ở đây vừa cách ly, vừa được điều trị căn bệnh mới này không khỏi có những tâm trạng buồn, lo lắng. Bác sĩ, điều dưỡng ở đây không chỉ điều trị, chăm sóc bệnh nhân mà còn giúp họ khoẻ mạnh cả về tinh thần. Chính vì vậy, khó có thể diễn tả hết nỗi vất vả của các điều dưỡng.

Các bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm “Cô Vy” trong quá trình điều trị.

Đó chưa kể, bên cạnh những vất vả mà họ phải căng mình từ Tết đến giờ để đối mặt với dịch bệnh; bên cạnh những niềm vui nho nhỏ chăm sóc cho gia đình mà họ không có thời gian để làm; bên cạnh sự cứng cỏi đứng ở giữa tâm bão, thì chắc chắn một lúc nào đó, những lằn ranh giữa sự sống và cái chết, sự lo lắng vẫn lướt qua tâm trí họ. Bởi lẽ, họ cũng chỉ là những người bình thường, cũng không được miễn nhiễm với “Cô Vy”.

Khi những thông tin đầu tiên về nữ điều dưỡng Đ.T.T.H. ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) dương tính với virus Corona được thông báo, hầu như ai cũng đều tỏ ra lo lắng và yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ đối với đội ngũ nhân viên y tế. Điều muốn nói nhất, các y bác sỹ mắc “Cô Vy” không phải là thảm họa. Khác với thời dịch SARS khi mà một số thầy thuốc đã hy sinh, cơ hội điều trị khỏi bệnh nhân “Cô Vy” là rất cao. Và các y bác sỹ khác cũng luôn tin rằng đồng nghiệp của họ sẽ sớm khỏe mạnh và quay trở lại đội ngũ những chiến sĩ áo trắng.

Các thầy thuốc chắc chắn sẽ không chùn bước trước dịch bệnh. Họ sẽ luôn có mặt ở đó, ở tuyến đầu trong cuộc chiến sinh tử hôm nay. “Chúng tôi không chỉ là bác sỹ, chúng tôi còn là chiến sỹ. Nếu hy sinh, chúng tôi là liệt sỹ” – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển phát biểu như thế.

Đây là lúc mà các y bác sỹ, nhân viên y tế cần hơn bao giờ hết sự ủng hộ về tinh thần của cộng đồng. Hãy dành cho họ tình cảm yêu thương, tôn trọng. Hãy tiếp thêm sức mạnh để họ có thể đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch.

Hạ trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều