Thầy Park sẽ thắng bằng đúng bài mà “di sản” của HLV UAE dùng “bắt nạt” nhà vô địch thế giới
Hơn 5 năm trước, Hà Lan từng có một trận cầu để đời, hạ gục nhà ĐKVĐ thế giới đến thảm thương. Đáng nói, cái cách họ tạo ra nó rất giống với những gì thầy Park đang làm với Việt Nam.
1. Trong thế kỷ 21, bóng đá Hà Lan có hai cột mốc đáng nhớ, nổi bật lên giữa những kỳ World Cup đáng quên của nền bóng đá từng lừng lẫy thế giới này.
Gần 10 năm trước, chính HLV hiện tại của UAE – Bert van Marwijk, đưa đội tuyển Hà Lan từ hai kỳ World Cup thất bại thảm hại lên đỉnh cao chói lọi với ngôi Á quân Worl Cup 2010. VCK World Cup năm ấy, họ toàn thắng trước cả Brazil, Uruguay, để rồi chỉ chịu thua nhà vô địch Tây Ban Nha ở hiệp phụ trận chung kết. Đấy cũng là mốc son chói lọi nhất trong sự nghiệp của HLV người Hà Lan này.
Gần 4 năm sau, trong trận khai màn World Cup 2014 của mình, khi HLV Bert van Marwijk không còn cầm quân, Hà Lan có được cú trả thù “không thể ngọt ngào hơn” trước chính những nhà đương kim vô địch thế giới, với chiến thắng “hủy diệt” đến 5-1, dù Tây Ban Nha mới là đội mở tỷ số và được đánh giá cao hơn nhiều, khiến cả thế giới sững sờ. Cú sốc ấy cũng khiến Tây Ban Nha bị loại ngay từ vòng bảng.
Điều hay ho nhất ở trận đấu “để đời” ấy của bóng đá Hà Lan, là họ không vận hành theo đội hình 4-2-3-1 từng giúp HLV Bert van Marwijk và các học trò của ông bước lên ngôi Á quân thế giới, mà bằng đội hình 3-4-3 y hệt như HLV Park Hang-seo đang vận hành cực kỳ thành công cùng đội tuyển Việt Nam.
Ngày ấy, đội tuyển Hà Lan cũng giống như thầy trò HLV Park Hang-seo hiện tại, không được đánh giá cao nhất trong bảng đấu “oan gia ngõ hẹp”, nhưng sở hữu một hàng trung vệ 3 người chơi cực kỳ gắn kết, hai cầu thủ chạy cánh chơi rất tự do, một tiền vệ công “chia bài” xuất sắc, cùng hai tiền đạo đảo vị trí cho nhau cực kỳ ảo diệu.
Và điều quan trọng nhất, họ cho cả thế giới thấy rằng lối chơi không phải là vấn đề hàng đầu. Quan trọng là cách thức thực hiện nó. Trận đấu ấy, HLV Louis van Gaal và các học trò xứng đáng với mọi lời ngợi khen khi đề ra chiến thuật rất táo bạo và thực hiện nó cực kỳ hiệu quả, khiến sau trận đấu ấy, những nhà chuyên môn phải thốt lên: “Tiki taka chỉ là sản phẩm của truyền thông, và Tây Ban Nha “chết” là bởi quá trung thành với lối chơi của mình”.
2. Trận đấu ấy, HLV Louis van Gaal cho các học trò vận dụng chiến thuật rất lạ và thú vị. Bộ ba tấn công của Hà Lan không lao lên áp sát trung vệ đối phương, mà hơi lùi về, tạo thành một “lá chắn” với Robben bên trái, Sneijder ở giữa và Robin van Persie bên phải, nhằm ngăn hướng chuyền từ hàng hậu vệ Hà Lan. Khi bóng tới vùng giữa sân, Hà Lan sẽ áp sát rất quyết liệt và theo người rất sát.
Đó cũng chính là cách vận dụng chiến thuật quen thuộc của HLV Park Hang-seo, với Văn Toàn, Công Phượng và Quang Hải. Chính lối chơi này khiến ông thầy người Hàn Quốc nhất định “bỏ rơi” Văn Quyết – tiền đạo có điểm yếu nhất là khả năng phòng ngự.
Điểm táo bạo trong chiến thuật của HLV Louis van Gaal trong trận đấu ấy còn là chỉ đạo de Jong và de Guzman theo Xavi và Xabi Alonso như hình với bóng, không hề sợ lộ khoảng trống giữa hàng tiền vệ và hậu vệ bởi đã có “lá chắn: ở phía trên, cùng hàng thủ giữ khoảng cách sát nhau. Đấy cũng là cách mà HLV Park Hang-seo dùng hai tiền vệ trung tâm của mình, bình thường sẽ là Hùng Dũng và Tuấn Anh.
Năm ấy, hai hậu vệ biên của Hà Lan cực kỳ năng động, Daryl Janmaat và Daley Blind khống chế hai hậu vệ biên của Tây Ban Nha, đồng thời cực kỳ năng động, thoát khỏi vị trí của hai hậu vệ biên truyền thống để băng lên, vừa đẩy Alba và Azplicueta lùi lại, vừa tạo thành gọng kìm tấn công, gây áp lực cực mạnh lên hàng thủ Tây Ban Nha. Ở đội tuyển Việt Nam, Văn Hậu và Trọng Hoàng hiện tại có khác gì Blind và Janmaat ngày ấy không?
Trận đấu năm ấy, Hà Lan là đội bị dẫn bàn trước, và trong khi bình luận viên truyền hình vẫn đang ra rả rằng khác biệt giữa Tây Ban Nha và Hà Lan là khác biệt về đẳng cấp, thì họ ghi liền 5 bàn để khiến luận điệu ấy phải “tắt đài”.
Họ ghi bàn thế nào?
Đầu tiên phải kể đến Robben và Robin van Persie. Họ liên tục di chuyển sang hai bên “nách” – không gian giữa trung vệ và hậu vệ biên, đe dọa Pique và Ramos với khả năng đột phá của mình, đồng thời khiến Alba và Azplicueta không thể dâng cao như ý muốn, thay vào đó phải giữ khoảng cách với các trung vệ. Đây là điều cực kỳ quan trọng.
Tiếp theo là hai hậu vệ biên, họ nhận bóng từ trung vệ của mình, thoát khỏi tầm kiểm soát của Silva và Iniesta, từ đó dâng cao tấn công. Khi Alba và Azplicueta bị ghim lại bởi Robben và Robin van Persie, Janmaat có thể băng lên dũng mãng, còn Blind phất những đường bóng dài vô cùng chuẩn xác. Chỉ cần như thế là đủ.
Tương tự như Tây Ban Nha năm nào, UAE tuy mạnh, nhưng lại để lộ điểm yếu là khả năng chống trả những pha tấn công từ hai cánh. Đấy cũng chính là điểm mạnh của thầy trò HLV Park Hang-seo với sự cơ động của Văn Hậu và Trọng Hoàng, thêm vào đó là khả năng quấy phá bằng tốc độ và sự di chuyển khôn khéo của cặp tiền đạo Văn Toàn và Công Phượng. Và quan trọng nhất, đội tuyển Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo có được cái khí thế và thần thái của Hà Lan năm nào trong tay HLV Louis van Gaal – trật tự, kỷ luật, và không hề rối loạn dù cho có bị dẫn bàn trước, bên cạnh đó là chẳng hề sợ hãi trước đối thủ.
Quả tình, hiệp 2 trận đấu năm ấy, Tây Ban Nha mới là đội khiếp sợ trước một Hà Lan táo bạo, quả cảm và chơi bóng đầy cảm hứng. Tối nay, trước UAE của HLV Bert van Marwijk, các học trò của HLV Park Hang-seo sẽ cho nhà cầm quân người Hà Lan này được thấy lại nguồn cầm hứng và “di sản” của ông – là đội tuyển Hà Lan ở World Cup 2014, ngay trên sân Mỹ Đình. Khi ấy, UAE liệu có cầm cự nổi, hay sẽ lại như Tây Ban Nha hơn 5 năm về trước?
Ngô Trà/Soha News