+
Aa
-
like
comment

Thầy giáo làng vượt qua nỗi đau bệnh phong để làm nghìn việc tốt

28/08/2019 12:04

Chỉ học hết lớp 7, mắc bệnh phong năm 30 tuổi, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn vượt qua những sóng gió cuộc đời để trở thành nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940, năm nay đã 79 tuổi. Chỉ học hết lớp 7 nhưng nhờ tinh thần tự học, năm 18 tuổi ông đã trở thành thầy giáo trường làng. Sau đó vì làm tốt, ông tiếp tục được phân công giảng dạy môn Văn – Lịch sử ở Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh).

Năm 1963, thực hiện lời Bác Hồ dạy ‘Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân’, thầy trò ông đi trồng cây. Khi tổng kết, thấy việc trồng cây tốt quá và thấy cần làm nhiều việc tốt nữa cho quê hương, đất nước, ông đã phát động ở địa phương phong trào ‘Làm nghìn việc tốt’.

thay giao lang vuot qua noi dau benh phong de lam nghin viec tot hinh anh 1
Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn được vinh danh trong chương trình giao lưu các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, với tên gọi ‘Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng’ diễn ra sáng ngày 19/8. Ảnh: Trần Thường

Sau đó, phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam. Ông đã đi từ Cao Bằng tới Cà Mau để nhân rộng phong trào.

Ông còn nhớ rõ mồn một kỷ niệm Bác Hồ về thăm ngôi trường của thầy trò ông. ‘Bác khen các đồng chí làm nghìn việc tốt, thế là rất tốt. Cần làm nghìn việc tốt góp sức cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và từ đó sáng kiến nở như hoa’.

Khi đang dốc lòng dốc sức cống hiến cho nhân dân, đất nước, ông nhận được tin dữ: mình mắc bệnh phong. ‘Ngày ấy, bệnh phong vẫn còn bị người ta kỳ thị ghê lắm’. Các ngón tay của ông bắt đầu co lại, không có cảm giác. Ban giám hiệu khuyên ông nên đi điều trị.

Đến Bệnh viện Bạch Mai gặp bác sĩ, ông cũng bắt gặp những gương mặt quen thuộc trong đám sinh viên thực tập, vì họ từng là những học trò xuất sắc của ông. ‘Lúc đó, tôi ngượng lắm. Và tôi làm một bài thơ tặng bác sĩ. Bác sĩ nói với tôi rằng lúc này mà cậu còn làm thơ được thì nhất định cậu sẽ chiến thắng’.

Vào Trại phong Quỳnh Lập, ngày đầu tiên một người bạn hỏi ông ‘vào đây thấy thế nào?’, ông đáp ‘tuyệt vời lắm’. Nhưng thực ra đêm hôm trước ông đã khóc, không ngủ được. Ông vẫn nhớ khoảnh khắc sáng sớm hôm ấy, ông ra bờ biển ngắm bình minh trên biển Quỳnh Lập. Ông nghĩ ‘đã có bình minh thì có cuộc sống…’.

Trong suốt 4 năm ở trại phong, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ. Ở trại phong, ông chứng kiến những cảnh đời cô quạnh. Đã bị cụt tay, cụt chân, người bị bệnh phong còn không dám về quê mà phải ở lại đây cho đến chết.

Chứng kiến những đứa trẻ theo bố mẹ vào trại phong, không được học hành, ông thấy thương cảm vô cùng. Thế rồi, ông nảy ra ý tưởng tổ chức lớp học tình thương trong trại để cho các cháu con chữ. Được ban giám đốc trại cho phép, Trường học Lê Văn Tám từ đó ra đời. Ông tự nhủ mình phải sống, để các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa.

Không những thế, ông còn tập hợp tất cả những ai từng là giáo viên, học sĩ… những người có kiến thức đang điều trị tại đây để mời tham gia giảng dạy.

thay giao lang vuot qua noi dau benh phong de lam nghin viec tot hinh anh 2
Thầy giáo Thìn suốt đời gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: NVCC

‘Tôi chọn cách sống nhìn xuống chứ không nhìn lên. Nhìn xuống để thấy nhiều người khổ hơn mình mà người ta vẫn sống được, thì tại sao mình phải tuyệt vọng. Tôi là người bồi dưỡng em Lê Văn Đắc – người bị địch chặt cụt 2 tay – để báo cáo điển hình Đại hội Chiến sĩ Thành cổ tỉnh Quảng Trị. Tôi rất cảm phục cậu bé ngậm bút vào miệng rồi kẹp bút vào chân để viết. Một đứa trẻ còn có nghị lực tuyệt vời như thế thì mình mới bị hỏng tay thôi, có gì mà thất vọng’.

Sau 4 năm điều trị, thầy giáo Thìn trở về ngôi trường cũ, tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Ông đã có hơn 30 sáng kiến, đề tài khoa học các cấp. Trong đó, có 4 đề tài được tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Lúc này, phong trào ‘Làm nghìn việc tốt’ của ông cũng đã lan toả trên khắp cả nước.

Là người khuyết tật, đôi bàn tay đã hoàn toàn toàn không còn cảm giác, không còn xòe ra được, ông Thìn vẫn cầm bút gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương. Ông đã viết và in được 3.000 trang sách, hàng trăm bài báo.

Năm 1991 về nghỉ hưu, ông được nhân dân giao cho chức Trưởng Ban Tuyên truyền, vận động xây dựng lại đền Đô – Di tích Quốc gia thờ 8 vị vua nhà Lý – nơi ấy Bác Hồ từng thắp hương cho các đức Vua và nói chuyện với bà con nhân dân.

thay giao lang vuot qua noi dau benh phong de lam nghin viec tot hinh anh 3
Thầy giáo Thìn có đóng góp lớn trong việc xây dựng lại di tích đền Đô (Bắc Ninh). Ảnh: VOV2

30 năm qua, giữ cương vị Trưởng ban Tuyên truyền, ông Thìn cùng nhân dân đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại đền Đô – bây giờ là Di tích Quốc gia đặc biệt. Với mong muốn làm tốt trọng trách được giao phó, ông hăng say viết sách, làm phim, hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên bởi vì ‘Một lời nói với du khách là truyền cả hồn quê, hồn nước, tình người, niềm tin yêu con người vào cuộc sống, để vinh danh hào khí Thăng Long, thời đại Hồ Chí Minh’.

Cách đây 4-5 năm, ông vẫn còn đang là hướng dẫn viên ở đền Đô. Không thể đánh máy bằng tay, ông dùng bút bi để gõ bàn phím, viết tiếp những trang sử về đền Đô để các thế hệ mai sau hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử của dân tộc.

Ông cũng là tác giả cuốn tự truyện ‘Chuyện cuộc đời’ và viết tập thơ ‘Bình minh đến sớm’, tuyển tập ‘Nghìn việc tốt – Chuyện kể ở Tam Sơn’. Thầy giáo Thìn cũng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến được vinh danh trong Chương trình Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi ‘Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng’ diễn ra sáng ngày 19/8.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý:

– Được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985)

– Được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1988)

Nguyễn Thảo (Vietnamnet)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều