+
Aa
-
like
comment

Thấy gì từ việc Việt Nam được Mỹ đưa ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ?

An Diễm - 14/11/2022 13:55

Trong quá trình phát triển kinh tế và đẩy mạnh ngoại thương, Việt Nam thường gặp phải nhiều rào cản đến từ công cụ chính sách của các quốc gia khác nhằm mục đích bảo hộ. Với khả năng ngoại giao khéo léo, mềm dẻo cùng các giải pháp linh hoạt, Việt Nam luôn thành công trong việc vượt qua các rào cản này. Sự việc Bộ tài chính Mỹ mới đây đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ là một ví dụ như vậy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tối ngày 12/11, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Campuchia.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là một quốc gia tư bản đúng nghĩa, sẵn sàng gây căng thẳng với các quốc gia khác về vấn đề thương mại song phương nếu họ cho rằng đang bị thiệt thòi. Đó cũng là thời kỳ mà Việt Nam phải chịu nhiều sức ép do chúng ta là một trong các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ rất lớn. Với việc nền kinh tế phát triển bùng nổ, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia thì hoạt động ngoại thương của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Theo dự báo thì năm 2022, Việt Nam sẽ vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. Đây là một thành tựu lớn nhưng để đạt được điều đó thì chúng ta cũng phải trải qua nhiều khó khăn không hề nhỏ, mà câu chuyện vượt qua thử thách có tên “danh sách giám sát thao túng tiền tệ” của Mỹ là một ví dụ.

Từ năm 2019, Bộ tài chính Mỹ bắt đầu xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách giám sát” thao túng tiền tệ. Tới giữa tháng 12/2020, Mỹ xác định Việt Nam là một trong hai quốc gia thao túng tiền tệ dựa theo các tiêu chí nêu trên. Điều này khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân vốn không có thiện cảm với Việt Nam tỏ ra hết sức vui mừng khi thấy Việt Nam bị “trừng phạt”.

Tuy nhiên, theo luật của Mỹ, việc một nền kinh tế bị dán nhãn thao túng tiền tệ chỉ kéo theo các cuộc đàm phán, có thể dẫn đến kết cục là áp thuế nhập khẩu, nhưng sẽ không có hình thức trừng phạt tự động nào được áp dụng. Và Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội này để làm việc. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Ngoài ra, chính sách này cũng sẽ tiếp tục được Việt Nam duy trì trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần thay đổi đường lối của mình, chúng ta chỉ đơn thuần là tăng cường đối thoại và giải đáp các mối quan ngại song phương.

Đây là thành quả từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022. Với những nỗ lực đàm phán, Thủ tướng đã nhấn mạnh những nỗ lực mà Việt Nam đang hướng đến để đảm bảo yêu cầu từ chính sách và quy định của Mỹ. Và ngày 10/11 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cao mới, chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ trước khi diễn cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam đương nhiệm Phạm Minh Chính.

Lý do cho quyết định này là liên tiếp trong hai kỳ báo cáo gần đây, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ (thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt mức 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD). Tuy nhiên ta có thể thấy quá trình dài hơi và nổ lực từ mọi cấp, mọi ngành của Việt Nam để từ đó vừa duy trì đà phát triển kinh tế, vừa không để mất lòng đối tác. Việc ra khỏi danh sách cũng vừa thể hiện nước ta là nền kinh tế thị trường lành mạnh, vừa chứng tỏ sự hiệu quả trong công tác ngoại giao, đối thoại của Việt Nam.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều