Thấy gì từ việc nhân viên Starbucks thay hạn sử dụng nguyên liệu “hết đát” và sự phản ứng của người tiêu dùng
Mới đây, gã khổng lồ cafe – tập đoàn Starbucks Corp đã ra quyết định điều tra toàn diện đối với mọi cửa hàng của thương hiệu này tại Trung Quốc, sau khi xuất hiện báo cáo bắt quả tang nhân viên tại 2 cửa hàng sử dụng nguyên liệu đã hết hạn để pha chế đồ uống cho khách.
Để “chữa cháy” và làm yên lòng dư luận, chuỗi thương hiệu khổng lồ cam kết họ có chính sách “không khoan nhượng” đối với an toàn thực phẩm, sau khi phát hiện 2 cửa hàng tại thành phố Vô Tích vi phạm tiêu chuẩn này.
Cụ thể theo video được lan truyền, các nhân viên bị bắt quả tang gỡ nhãn hạn sử dụng trên một chai cốt chocolate, và thay thế nó bằng một nhãn mới có hạn sử dụng lâu hơn.
Ở diễn biến khác, tại một cửa hàng cùng thương hiệu, bánh ngọt và cacao quá hạn sử dụng vẫn ngang nhiên được bày bán trên kệ.
“Chúng tôi thực sự xin lỗi và sẽ tích cực cải thiện chất lượng phục vụ. Chúng tôi sẽ phối hợp điều tra thật chặt chẽ và thực lòng yêu cầu sự giám sát từ công chúng và truyền thông,” – đại diện phát ngôn của Starbucks tại Trung Quốc chia sẻ hôm 13/12.
Theo sau đó, Starbucks cho biết sẽ mở một cuộc điều tra toàn diện về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với toàn bộ 5.400 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục.
Trước đó, “cú phốt” của Starbucks đã trở thành một chủ đề cực nóng trên Weibo (mạng xã hội Trung Quốc), thu hút tới 270 triệu lượt xem và khiến người dùng khắp nơi cảm thấy tức giận.
“Làm ơn phục vụ cafe có chất lượng tương xứng với mức giá 30 – 40 NDT (khoảng 100 – 150 ngàn đồng tiền Việt) các người đang thu,” – một người dùng bức xúc phát biểu.
Trên thực tế, các thương hiệu nước ngoài bị chỉ trích và vấp phải làn sóng tẩy chay là điều khá bình thường tại Trung Quốc. Ngay đầu tháng 12, công ty áo lông ngỗng nổi tiếng Canada Goose đã chứng kiến mức giảm tới 14% trên thị trường chứng khoán, sau khi bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích vì chính sách hoàn tiền của mình. Doanh thu của thương hiệu thời trang H&M còn giảm cực mạnh, sau khi tuyên bố không sử dụng bông sản xuất từ Tân Cương.
Đối với Starbucks, Trung Quốc là một thị trường hết sức quan trọng, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và các quy định hạn chế liên tục được đưa ra.
Thụy Vũ