+
Aa
-
like
comment

Thấy gì từ việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo lãi cao kỷ lục?

11/07/2023 14:04

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại xác lập kỷ lục mới khi doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 330 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm ngoái đơn vị này đạt doanh thu bán hàng 2.387 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 14% so với kế hoạch đề ra. Đây là nguồn thu từ sản xuất hơn 206 triệu bản sách giáo khoa.

Sau khi trừ giá vốn, nhà xuất bản lãi gộp 740 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều biến động mạnh khiến lợi nhuận sau thuế còn 331 tỷ đồng. Dù vậy, chỉ tiêu này vẫn vượt xa mục tiêu được giao và xác lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm ngoái lãi sau thuế 331 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng ba năm liên tiếp theo đà tăng của giá sách giáo khoa. Lãnh đạo nhà xuất bản từng giải thích rằng giá cao bởi chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từng bị điều tra

Trước đó hồi tháng 2/2023 năm nay, ông Nguyễn Đức Thái, 61 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, bị bắt với cáo buộc có sai phạm trong đấu thầu cung cấp giấy in.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam. Kết quả điều tra xác định:

Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing và ông Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing đã thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Sách giáo khoa bán trọn bộ.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%.

Theo quy định, đơn vị này phải công bố thông tin định kỳ bao gồm cả báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng. Tuy nhiên, đơn vị này thường xuyên trễ hẹn, thậm chí không công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, báo cáo tài chính…

Chính phủ can thiệp điều chỉnh giá sách giáo khoa

Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa “cao bất hợp lý”. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động xuất bản sách giáo khoa.

Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá sách đã kê khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc này có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6/2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy nỗ lực cơ bản của Chính phủ trong việc kiểm soát giá cả sách giáo khoa, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người dân và đảm bảo tất cả học sinh đều có quyền tiếp cận nguồn tài liệu học tập chất lượng.

Việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là một bước quan trọng để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa. Việc này cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản, thúc đẩy chất lượng và đa dạng hóa sách giáo khoa.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều