Thấy gì từ việc một kiểm sát viên mở công ty đòi nợ thuê?
Nghe đến những từ “tín dụng đen”, “bảo kê”, “đòi nợ thuê” hẳn là ai cũng lùng bùng lỗ tai. Bởi với những vấn nạn này, dù chưa phải là người trong cuộc hay là nạn nhân, nghe sự phản ánh thôi cũng đã ám ảnh.
Báo chí trong những năm gần đây đăng tải rất nhiều những câu chuyện đau lòng về việc người vay tiền bị lực lượng đòi nợ thuê bạo hành thể xác, uy hiếp tinh thần. Để đòi được tiền mà “khách hàng” phó thác, có không ít công ty đòi nợ thuê dở mọi thủ đoạn, tung đòn cước, hành hung, xuống tay không thương tiếc với “con nợ”. Thậm chí để đòi được nợ, chúng bất chấp tất cả, không việc ác gì không dám làm. Bởi số tiền trả công cho việc đòi được tiền là không hề nhỏ, ít nhất cũng phải 15% số tiền đòi được.
Có lẽ vì lợi ích quá lớn, mà với một người có thân phận là kiểm sát viên Viện KSND H.Đức Trọng, ông Phạm Đình Bảng cũng “vươn bàn tay” lao ra, điều hành công ty đòi nợ thuê. Không hiểu các cơ quan quản lý đã giám sát cán bộ như thế nào mà để một ông kiểm sát viên “qua mặt”, trở thành lãnh đạo của công ty đòi nợ thuê như vậy? Mãi đến khi cơ quan điều tra đã rất quyết liệt, đưa ra ánh sáng thì hình thức kỷ luật với cá nhân này mới được xem xét. Trong khi đó, thông tin ông Vũ Văn Diến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng cho biết thì: “Ông Bảng tự ý tham gia quản lý điều hành công ty đòi nợ thuê là vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Luật Cán bộ công chức; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Doanh nghiệp và Luật Tổ chức VKSND”. Một loạt các sai phạm như thế…?
Thời gian qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất quyết liệt, trấn áp loại tội phạm này, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố hơn 436 vụ và 766 bị can liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Kết quả đó phần nào giải tỏa những bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tương quan, nếu chỉ một mình ngành Công an sẽ không thể nào giải quyết tận gốc vấn nạn trên. Bởi, hiện nay luật pháp cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Quản lý, giám sát dịch vụ đòi nợ thuê như thế nào để không biến tướng, đó là trách nhiệm của nhiều ban ngành, trong đó có đơn vị cấp phép – Sở Kế hoạch đầu tư. Thực tế đã cho thấy, “Công ty đòi nợ thuê được các cơ quan chức năng cấp phép hành nghề, khi đi vào hoạt động thì biến tướng, không thực hiện đúng chức năng theo quy định, khi đi đòi nợ lại dùng những người không nằm trong danh sách đăng ký… Chính những người này chủ động đe dọa, uy hiếp người thân của người mượn nợ để ép trả nợ thay”. Điều này đã rất nhiều lần được đại diện Bộ Công an nêu ra.
Được biết, “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” nằm trong 12 ngành nghề được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hiện nay vấn đề này vẫn còn đang nằm ở dự thảo. Cho đến khi có kết quả, thì lực lượng Công an phải nỗ lực rất nhiều mới hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vừa triệt phá các băng nhóm tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, vừa không để tội phạm lợi dụng những khe hở của pháp luật để hoạt động.
Thái Thanh