+
Aa
-
like
comment

Thấy gì từ việc Hungary chấp nhận mua khí đốt bằng đồng tiền Nga?

Huy Hoàng - 12/04/2022 17:28

Hungary, một quốc gia vừa là thành viên của liên minh Châu Âu (EU), vừa nằm trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Vừa qua, đã tuyên bố chấp nhận thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng: “Nếu đó là những gì Nga yêu cầu, chúng tôi sẽ thanh toán bằng đồng ruble”.

Đáng ngạc nhiên, chính ông Viktor Orban khi còn trẻ đã từng là một nhà chính trị hoạt động chống lại Liên Xô. Và cũng chính ông Orban sau này khi lên nắm quyền đã lên án gay gắt quan điểm thân Nga của nội các Đảng Xã hội. Cáo buộc những ai ủng hộ Hungary xích lại gần Nga là phản quốc.

Nhưng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đến nay. Ông Orban đã kịch liệt phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhắm vào doanh nghiệp dầu khí Nga. Thủ tướng Orban khẳng định Hungary buộc phải đứng ngoài xung đột bằng mọi giá. Bên cạnh đó, Budapest đã nhiều lần từ chối cấp phép cho số vũ khí phương Tây đi qua lãnh thổ Hungary để đến Kiev.

Thủ tướng Viktor Orban, 58 tuổi, vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ tư hôm 3/4, đã bị chỉ trích vì quá thân Nga. Tuy nhiên, ông Orban vẫn lên án chiến dịch của Nga, thừa nhận chủ quyền của Ukraine cũng như viện trợ nhân đạo và nhận hàng trăm nghìn người Ukraine sơ tán khỏi cuộc xung đột. Và thậm chí còn bỏ phiếu ủng hộ tạm thời loại Nga khỏi Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Tất cả đã chứng tỏ Budapest đang thi hành chính sách cân bằng giữa hai thái cực Mỹ và Nga. Nên việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, cũng chính là cách ông Orban nhấn mạnh đường lối mà Hungary theo đuổi, đó là trung lập. Nhưng là một thành viên của EU lẫn NATO, vì sao Hungary lại tìm cách đứng ngoài cuộc xung đột Đông Âu? Quyết định đi ngược số đông này mang lại lợi ích gì cho Hungary?

Cảnh giác với Mỹ ngày càng gia tăng

Có thể nói, sau gần 12 năm cầm quyền, Thủ Tướng Hungary Viktor Orban đã gia tăng đáng kể sự cảnh giác với Mỹ. Hôm 08/03, Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Nhưng phó thư ký Hội đồng An ninh quốc gia nước Nga Mikhail Popov lại cho biết rằng: “Mỹ buộc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Nga và còn tăng 43% lượng dầu nhập trong tuần qua, lên mức 100.000 thùng mỗi ngày”

Số dầu này sẽ lại được Mỹ đem vào các nước Châu Âu và bán với giá cắt cổ. Vì Châu Âu không mua của Nga, tất nhiên sẽ phải mua từ Mỹ. Theo ông Popov, bất chấp xăng dầu Châu Âu tăng đến mức báo động, Mỹ vẫn kiên quyết không muốn các nước châu Âu thực hiện chính sách tương tự Washington.

Hungary là một trong những nước Châu Âu thiệt hại nặng nề vì hành động anh hùng này của Mỹ. 60% dầu mà Hungary sử dụng là nhập từ Nga, giá dầu leo thang buộc chính phủ Hungary đã phải chi hàng tỷ đô la ngân sách để trợ giá cho xăng dầu trong nước và loay hoay tìm nguồn cung giá rẻ khi bị mắc kẹt giữa cơn bão giá ở Châu Âu.

Chưa kể, Mỹ thì ở phía bên kia đại dương, còn Hungary thì ở Châu Âu. Nhờ Mỹ mà nước này phải chia sẻ bát cơm của mình cho người tị nạn Ukraine, cũng như đang gánh còng lưng những chi phí thuốc men, hỗ trợ y tế cho người Ukraine trong thời đại dịch Covid-19.

Sức ép về mặt kinh tế là quá lớn, nên Budapest đã không ngần ngại tuyên bố sẽ trả bằng đồng Ruble để mua khí đốt Nga. Hôm 1/4, ông Orban cũng thẳng thắn nói rằng: “Thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ là một đề xuất vô lý”.

Nói chung, dù là một thành viên của EU lẫn NATO, nhưng không có lý gì để Hungary phải tham gia vào cuộc xung đột Đông Âu, khi mà lợi ích quốc gia của chính mình bị tổn hại. “Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi” –  Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trả lời cho Ukraine khi nước này yêu Budapest phải lựa chọn giữa Nga và những bên còn lại.

Và cũng chính điều này, cho chúng ta thấy một xu hướng trung lập đang dần hình thành trong lòng các nước EU. Sự vô lý khi phải nghe theo Mỹ, sự mất cân bằng về lợi ích giữa các thành viên EU, buộc nhiều nước Châu Âu phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, chuyển sang vị thế trung lập và dần định hình lại phong cách ngoại giao cho riêng mình. Như giới chức tại Áo, Slovakia và các doanh nghiệp Latvia, vừa qua cũng cho biết sẽ tính đến chuyện thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble.

Hungary vốn đã cảnh giác với Mỹ từ khi ông Orban lên nắm quyền. Dù không thể hiện ra lời nói, nhưng có thể quan sát được qua việc ông Orban chủ trương tự xây dựng quân đội Hungary, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào NATO như các nước EU khác. Kể từ năm 2010, ông Orban đã tái tổ chức quân đội và hiện nay ông cho rằng quân đội Hungrary đã đủ mạnh để bảo vệ quốc gia cũng như các đồng minh. Hôm 4/3, ông Orban nói rằng: “NATO sẽ bảo vệ chúng ta khi mà chúng ta sẵn sàng tự bảo vệ mình. Bất kỳ ai nghĩ rằng NATO sẽ bảo vệ chúng ta là một điều sai lầm”. Không ai cho ai không thứ gì, và đây có thể coi là cách Hungary củng cố vị thế trung lập cho mình, thoát khỏi sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ.

Con đường mà Budapest chọn, mang đến nhiều lợi ích hơn cho Hungary

Lợi ích mà Hungary có được, khi duy trì mối quan hệ tốt với Nga sẽ nhiều hơn khi ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Cho nên, Budapest vốn không ngại đi ngược lại số đông.

Đầu tiên, Hungary sẽ đảm bảo được nguồn cung năng lượng khí đốt, đảm bảo được an ninh kinh tế quốc gia, né được các đòn trừng phạt họa vô đơn chí từ Mỹ và EU. Bên cạnh đó, còn được Nga hỗ trợ khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong nước, được Nga chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik-V ở Hungari, được hợp tác với Nga để phát triển dự án nghiên cứu không gian chung và thúc đẩy các lô hàng nông nghiệp của Hungary sang Nga, … Nền kinh tế Nga có tính bổ sung rất cao cho nền kinh tế Hungary. Không lý gì Hungary phải từ bỏ một mối làm ăn lớn như là Nga, để mà ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn gây tổn hại đến lợi ích quốc gia họ.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cũng từng làm rõ quan điểm rằng sẽ thể hiện tình đoàn kết với các thành viên EU khác, nhưng người dân Hungary “không nên phải trả giá” cho các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow do hành động của Nga ở Ukraine.

Chưa bao giờ Châu Âu lại trở thành quân cờ bị mắc kẹt giữa Mỹ và Nga như hiện nay. Vừa phải mua năng lượng giá cao, vừa phải loay hoay tìm nguồn cung mới, bao nhiêu thiệt hại của cuộc chiến ở Ukraine bỗng giáng hết xuống đầu người dân Châu Âu. Thật vô lý! Chính điều này càng làm Hungary muốn đi ngược lại số đông.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều